Theo các nhà chuyên môn, câu chuyện dân thành Ninivê trở lại với Thiên Chúa và được tha thứ với những chi tiết đầy ngoạn mục, không mang tính chất lịch sử cho bằng tính chất tâm linh. Câu chuyện mượn danh tiên tri Giona là một nhân vật có thật, sống thời vua Gia-róp-am II của vương quốc Israel (786-746 tCN), được nói đến trong 2V 14,25. Cuộc trở lại của dân ngoại, nhất là của dân ở thủ đô Ninivê của nước Assyria, là đế quốc đã từng thống trị Israel, đánh dấu một cách nhìn rất mới của người Do Thái. Ý thức sâu sắc về tội lỗi và sự trở lại của dân ngoại về với Thiên Chúa là Chúa của mọi dân tộc, khiến cho người ta nghĩ rằng cuốn sách này được viết vào thời kỳ lưu đày Babilon (587-538 tCN) hoặc đúng hơn, là sau thời lưu đày. Thiên Chúa được trình bày như là Thiên Chúa của mọi dân tộc, đó là suy tư thần học trong và sau thời lưu đày này. Thái độ của ông Giona vùng vằng không chấp nhận đến Ninivê để nói lời của Chúa cho thấy ông khó chấp nhận chuyện Thiên Chúa đón nhận dân ngoại và tha thứ cho họ!
Lại càng nghịch nhỉ hơn nữa khi trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy dân ngoại là nữ hoàng Phương Nam và dân thành Ninivê, làm gương mẫu cho dân Do Thái về thái độ biết hướng thiện và quay về với Thiên Chúa!
Dân Do Thái ngày xưa có thể cũng đặt câu hỏi như các kitô hữu hôm nay: nếu Thiên Chúa coi trọng dân ngoại như dân đã từng có đạo bao nhiêu năm như thế, thì theo đạo để làm gì?! Vất vả sớm hôm đi lễ, đọc kinh, ăn chay... mà không được ưu tiên gì hơn thì theo đạo để làm gì?! Cách nhìn ấy cho thấy kiểu cách theo đạo rất vị kỷ, chỉ tìm kiếm mối lợi cho mình thôi! Theo đạo thì phải có lợi mới theo! Chỉ tìm kiếm chính mình thôi, nên người ta lưu ý đến lý lịch, gốc gác, thành tích giữ luật lệ!
Theo đạo là tin vào Chúa, tức là đi vào một mối tương giao với thần linh. Tương giao thì phải có hai bên. Chỉ tìm kiếm chính mình thì không có tương giao. Mà khi tương giao có hai bên thì người ta cũng tìm thấy chính mình trong đó.
Khi ý thức sống đạo là sống tương giao như thế, tín hữu không chỉ lo thu tích thành tích của mình, nhưng mở ra với Thiên Chúa, luôn sẵn sàng cho Thiên Chúa. Khi ấy, việc sám hối thì khỏi phải bàn nữa, vì đó là việc đương nhiên; nhưng còn đi xa hơn nữa, tín hữu sẵn sàng cho những dẫn dắt của Chúa cho những con đường mới mẻ, cho những dấn thân. Đó mới là đời sống đạo đích thực.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn