Điều đáng mừng trong việc chia rẽ mang tính bè phái của dân Côrintô là hai ông Phaolô và Apôlô đều không muốn tình trạng ấy, không tìm cách tạo ra bè phái của mình. Trái lại, ông Phaolô nói lên ý thức mọi thứ ông có đều là nhận được từ Thiên Chúa và còn hơn nữa, ông coi mình là tôi tớ hèn mọn của Đức Kitô, là người bước theo con đường thập giá hạ mình của Đức Kitô, chấp nhận là con người bị khinh bỉ, bị loại trừ như Đức Giêsu Kitô. Ông Phaolô chấp nhận mình hèn kém hơn các tín hữu nữa hầu phục vụ cho ơn cứu độ của họ.
Khi các người Pharisêô bắt bẻ các môn đệ Đức Giêsu vì bứt bông lúa ngày sabát, Đức Giêsu tuyên bố: “Con Người làm chủ ngày sabát.” (Lc 6,5). Ngài tuyên bố là chủ ngày sabát tức là gián tiếp tuyên bố Ngài là Thiên Chúa. Việc tuân giữ ngày sabát không phải là chỗ khẳng định đẳng cấp đạo đức của mình, nhưng là cơ hội để tỏ lòng thần phục Thiên Chúa là chủ của ngày đó.
“Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).
Kiêu hãnh là tưởng những gì mình có là của mình, do tài năng của mình. Còn khiêm hạ là biết rằng mình chỉ là người nhận lãnh từ Thiên Chúa, để biết quy phục Ngài, không đòi chiếm chỗ của Ngài, và để không lên mặt với người khác, nhưng dùng những ân ban để phục vụ cho người khác nữa.
Thế mới biết kiêu ngạo là thái độ nực cười vì vênh váo về điều không phải của mình, là “nhận vơ”! Vậy mà tôi cứ ung dung khoe khoang, tưởng mình hay, trong khi mình thật đáng buồn cười! Hãy sống lòng tri ân vì thực sự mình được Thiên Chúa yêu thương, để sống hết mình cho Ngài và cho tha nhân.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn