Đề tài quan trọng của thư Ephêsô là Giáo Hội. Khi viết cho Giáo Hội Êphêsô có gốc dân ngoại, thánh Phaolô nói họ là “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep2,19). Từ ngữ “dân thánh”, “dân Thiên Chúa” thường được dùng để chỉ dân Do Thái là dân được Thiên Chúa chọn. Nay thánh Phaolô nói mọi kitô hữu đều thuộc về dân thánh và còn hơn nữa, họ thuộc về gia đình Thiên Chúa.
Thuộc về dân Chúa, theo cách nghĩ của người Do Thái luôn đi kèm với dấu chỉ của việc cắt bì và cũng kèm theo đòi hỏi của việc giữ các Lề Luật cách tỉ mỉ. Còn đối với thánh Phaolô, thuộc về Dân Mới của Thiên Chúa là tin vào Đức Giêsu và do đó được đón nhận ơn cứu độ. Đó là ân ban hơn là thành tích sống đạo đức. Và như vậy, dù là Do Thái hay dân ngoại thì đều là dân của Thiên Chúa, không phân biệt đẳng cấp, được tôn trọng như nhau. Đây chính là thao thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới hiện nay.
Thuộc về gia đình của Thiên Chúa, là người nhà của Thiên Chúa (oikeios) thì còn đi xa hơn và làm nổi bật tính chất ân ban nhiều hơn, bởi vì tuy là con người thấp bé nhưng được nhận vào gia đình thần linh! Khi là gia đình thì là ân nghĩa chứ không phải là luật lệ, không phải là phen bì, so đo, nhưng đón nhận và cưu mang nhau.
Với ý nghĩa là Dân Thiên Chúa theo nghĩa mới, là thành phần của gia đình Thiên Chúa, kitô hữu được mời gọi hiệp thông với nhau và cùng tham gia vào đời sống Dân của mình, gia đình của mình. Và từ đó, họ cũng được mời gọi tham gia vào sứ vụ chung. Người ta kéo đến với Chúa Giêsu và muốn chạm vào Ngài, bởi vì khi ấy họ được chữa lành. Sứ vụ của kitô hữu không phải là làm một việc gì đó hoành tráng hay hình thức, nhưng là trở nên người tiếp tay cho Thiên Chúa đưa ơn chữa lành đến cho các tâm hồn!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn