“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi (apestalēn) cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43).
Khi người ta kéo đến đông đảo để được chữa lành, Đức Giêsu đã nói như vậy với mọi người. Người ta muốn giữ Ngài ở lại đó để tiếp tục chữa lành cho nhiều người nữa. Thành phố Capharnaum ấy cũng là nơi Đức Giêsu thường xuyên rao giảng Tin Mừng đến độ có khi người ta gọi đó là “thành phố của Đức Giêsu”, và ở đó Ngài có nhiều người tin theo. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn nói rằng Ngài phải đi nơi khác nữa, vì đó là lý do Ngài được sai đến, đó là đi loan báo Tin Mừng khắp nơi.
Từ ngữ apestalēn do bởi từ gốc là apostelló có nghĩa là được sai đi. Đó là từ ngữ sau này được Đức Giêsu dùng để chỉ các tông đồ (apostolos, người được sai đi). Như vậy Đức Giêsu là vị Tông Đồ đầu tiên đến từ Chúa Cha, “vị Tông Đồ nguồn” bởi vì từ Ngài mà có các tông đồ khác.
Ông Phaolô nói rằng ngài chỉ có thể cho cộng đoàn Côrintô uống sữa, bởi vì họ chưa trưởng thành! Điều gì xảy ra vậy? Thưa các tín hữu ở đó chia rẽ nhau, vì nhóm thì tự phụ mình thuộc về Apôlô, nhóm tự xưng là thuộc về Phaolô. Ông Phaolô nói rằng sự tự phụ gây chia rẽ ấy chứng tỏ họ thật là trẻ con, bởi vì họ không nhận thức được rằng Phaolô hay Apôlô chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa mới là chủ trên tất cả mọi người.
Khi người ta không ra khỏi được chính mình, chỉ đóng lại nơi chính mình và tưởng mình là “cái chi chi”, người ta tìm kiếm chính mình hơn là Thiên Chúa, thì lúc ấy họ thực sự là trẻ con. Trẻ con chỉ biết chính mình, coi mình là trung tâm. Vậy bất kể tuổi đời hay tuổi tu hành, bất kể chức vụ gì trong Giáo Hội, mỗi người hãy tự xét lại xem mình đã là người trưởng thành hay vẫn còn là trẻ con, vẫn còn tìm kiếm chính mình, chỉ biết giữ cho bằng được ý mình, chỉ biết đề cao bản thân, hay đã biết nghĩ đến người khác, muốn phục vụ người khác. Mỗi người cần nghĩ lại xem mình có thực sự hạ mình để nối kết mọi người hay mình trở thành nguyên nhân gây ra chia rẽ nơi gia đình, nơi cộng đoàn mình vì những lý do chẳng đâu vào đâu, mang đầy tính tự quy ích kỷ?
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn