Có những thái độ mà mới nhìn thoáng qua, người ta đều cho đó là thái độ của đức tin, của lòng đạo đức, nhưng thực ra, nhìn kỹ hơn, thì đó chỉ là lòng đạo đức dựa trên những điều phù phiếm, đó là đức tin dựa trên những điều phù phiếm!
Sau khi được ăn bánh và cá nơi phép lạ của Chúa Giêsu, nhiều người đi tìm Ngài, nhưng Chúa Giêsu nói thẳng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh...” (Ga 6,26-27). Không phải là Chúa Giêsu nói họ “ham ăn” đâu! Người Do Thái đương thời trông chờ Đấng Mêsia, nhưng là Đấng Mêsia mang lại no ấm và quyền lực chính trị, quân sự, và họ nghĩ có lẽ Chúa Giêsu là Đấng ấy sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chờ Đấng Mêsia như thế được Chúa Giêsu coi là phù phiếm. Họ tin vào Chúa Giêsu đấy chứ, nhưng tin rằng Ngài trao cho họ thứ “lương thực mau hư nát”. Ngài nhắc họ hãy tìm thứ “lương thực thường tồn” là chính Ngài, “bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (6,27). Họ tìm lương thực, tìm quyền lực thế gian..., tức là tìm kiếm chính mình, chứ có tìm kiếm Thiên Chúa đâu! Bởi thế, khi nào Chúa Giêsu thoả mãn những mong ước của họ thì họ theo, thì họ tin vào Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, bằng không thì thôi! Những người không thể tranh luận với ông Stêphanô khi ông rao giảng về Chúa Giêsu phục sinh, thì họ sinh ra ghen tức và làm chứng gian để ném đá ông này. Họ đi tìm chính mình chứ có đi tìm điều Thiên Chúa muốn nói với họ đâu!
Điều Chúa Giêsu khuyên họ là: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (6,29). Tin vào Chúa Giêsu để rồi sẵn sàng nghe lời Người, đi theo con đường Người đi. Đó mới thực sự là đức tin.
Điều này phải làm các tín hữu xét lại đức tin của mình: gọi là tin, gọi là tu hành đấy, nhưng tôi đi tìm chính tôi hay đi tìm Thiên Chúa. Tôi có sẵn sàng nghe và đón nhận những điều khác với suy nghĩ của mình hay không? Tôi có sẵn sàng đi theo con đường mình không mong muốn khi cảm nhận đó là con đường Thiên Chúa muốn hay không? Những khác biệt của người khác có nói với tôi về điều khác biệt mà Thiên Chúa muốn mời gọi tôi hay không?
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn