Giữa cộng đoàn Côrintô xảy ra trường hợp con trai ăn ở với vợ kế của cha mà không nhận ra đó là tội lỗi. Quan niệm này có thể đã có từ trước nơi họ hoặc nơi những dân chung quanh. Luật Do Thái và luật Roma cấm việc này và cho là loạn luân, nhưng một số rabbi Do Thái nhượng bộ việc này đối với những người gốc dân ngoại theo Do Thái Giáo. Thánh Phaolô thì lên án mạnh mẽ tội lỗi này, lên án cả thái độ coi chuyện ấy không có vấn đề gì, lại còn tự hào nữa!!!
Các kinh sư và Pharisêô tự hào về việc giữ tỉ mỉ luật ngày sabát, nhưng họ không ý thức rằng cách giữ luật của họ chà đạp những phận người, chỉ tạo thêm “thành tích đạo đức” cho chính họ thôi! Đức Giêsu phản ứng gay gắt khi đặt cho họ câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9). Câu hỏi đặt họ trước chọn lựa có hoặc không, không có câu trả lời thứ ba. Và phản ứng của họ cho thấy họ đứng hẳn về phía sự dữ, đó là họ “giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không” (6,11). Matthêô và Marcô ghi rằng những người Pharisêô và phái Hêrôđê lập mưu giết Đức Giêsu! Họ nhân danh tôn giáo nhưng hành động theo sự dữ, theo đam mê.
Như vậy, theo Đức Giêsu, điểm mấu chốt làm nên sự lành là đức ái, còn ngược lại là sự dữ. Không cứu sống là giết chết, tức là đứng về phía sự dữ. Với thánh Phaolô cũng thế: ăn ở với vợ kế của cha, tuy dù người đàn bà ấy không có huyết thống gì với người con trai, nhưng làm như thế là xúc phạm đến cha mình, là thiếu đức ái trầm trọng.
Đức ái làm nên điều lành, còn ngược lại là làm sự dữ. Xác định này cần được lưu ý trong đời sống tôn giáo, bởi vì không ít lần người ta “sùng bái” cách sai trái những nghi lễ, những luật lệ đưa đến thái độ chà đạp những con người đau khổ, vì người ta hiểu không đúng về luật lệ!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn