Cuộc đồng hành về Emmau của hai môn đệ Đức Giêsu cùng với Người Khách Lạ đã trở thành câu chuyện thú vị cho nhiều hình thức trình bày khác nhau: bài hát, thơ văn, chú giải, chia sẻ trải nghiệm...
Nhìn dưới góc độ của đời sống tâm linh, đây là một cách thức đọc lại lịch sử dưới ánh sáng phục sinh. Tính cách lịch sử ở đây đan xen giữa tính cộng đồng và tính cá vị. Niềm tin vào Đấng Cứu Độ của Do Thái được một số người đặt nơi Đức Giêsu, nhưng niềm tin đó đã trở thành nỗi thất vọng! Ngài đã bị đóng đinh và đã chết cách đó 3 ngày rồi! Nỗi thất vọng này cũng là của riêng từng môn đệ của Đức Giêsu, họ bỏ về quê ở Emmau!
Người Khách Lạ đến bên hai môn đệ và cùng với họ đọc lại những gì đã diễn ra. Người Khách Lạ ấy gợi cho họ nhớ những đoạn Thánh Kinh liên hệ đến Đấng Messia và cho họ thấy việc Ngài sống lại đã được tiên báo trước. Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô dựa trên Lời Chúa và dựa trên niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa trên lịch sử nhân loại, trên sự dữ do con người gây ra. Tất cả những niềm tin ấy về Chúa Giêsu Kitô cũng được áp dụng cho các kitô hữu, những người tin và sống theo mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô. Lịch sử cuộc đời của mỗi người, của gia đình, của các cộng đoàn đức tin và của Giáo Hội cần được đọc lại dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua này: thập giá đưa đến phục sinh. Cần vượt qua cái nhìn trần tục về cuộc đời để có cái nhìn của niềm tin phục sinh.
Những suy tư của đức tin về cuộc đời cần được kết hợp với cử hành phụng vụ. Hai môn đệ thấy lòng nóng lên khi lắng nghe Người Khách Lạ, nhưng chỉ nhận ra Đấng Phục Sinh khi tham dự nghi lễ Bẻ Bánh.
Cái nhìn đức tin về lịch sử bản thân và cộng đoàn còn cần được đọc cùng với cộng đoàn. Hai môn đệ trở về Giêrusalem, nghe những người ở đó kể lại kinh nghiệm đức tin của họ, đồng thời cũng kể lại kinh nghiệm đức tin của chính mình.
Cái nhìn trần tục về cuộc sống xuất hiện nơi cá nhân và cộng đoàn đức tin đã gây ra biết bao sụp đổ, thất vọng và cuối cùng biến chúng thành cuộc đời phàm trần và cộng đoàn trần tục. Niềm tin phục sinh cần được làm sống động lại, có nghĩa là phải gây ảnh hưởng thực sự trên cuộc sống của cá nhân và cộng đoàn, biến họ thành những con người được phục sinh, những cộng đoàn của mầu nhiệm phục sinh, và do đó, biết hành động theo cái nhìn đức tin.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn