Thánh Phaolô trải qua một kinh nghiệm rất mới về sự công chính. Đã từng là một Pharisêô, ngài nghĩ và sống về sự công chính như là kết quả của một đời sống tuân giữ Lề Luật cách nghiêm túc và nhiệt thành nữa. Điều này khiến ngài tự hào về chính mình và trở thành người đi bắt bớ những người tin theo Đức Giêsu! Sau đó, với biến cố Đamát, ngài nhận ra một điều hoàn toàn khác: công chính là ân ban của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của con người. Đấng mang lại sự công chính cho con người là Đức Giêsu Kitô, do đó, ai tin vào Đức Giêsu Kitô là Chúa thì được Ngài làm cho nên công chính.
“Thiên Chúa muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính.” (Rm 3,26)
Lối công chính do tự hào về công trạng của mình khiến người ta đóng lại nơi mình, coi mình là chuẩn mực và loại trừ những ai nói và sống khác mình. Đó là điều mà người Do Thái đã làm khi giết các tiên tri qua nhiều thế hệ (Tin Mừng). Còn lối công chính của Thiên Chúa thì khác. Sự công chính của Thiên Chúa không dừng lại ở cách cư xử theo luật, theo sự sòng phẳng, nhưng là khi Ngài biểu lộ lòng nhân hậu (xem dụ ngôn những người thợ làm vườn nho vào những giờ khác nhau, Mt 20,1-16). Và như thế, Ngài làm cho người ta trở nên công chính khi biểu lộ lòng nhân từ với người ta, chứ không phải là khi nhìn nhận công trạng của họ (xem dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, Lc 18,9-14).
Người đón nhận được sự công chính do ân ban của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô thì cũng trở thành người nhân hậu, bởi vì chính mình là người đã đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ai tự phụ về thành tích, về sự chuẩn mực của mình và lên án người khác, thì đó là người công chính của thời Cựu Ước. Còn ai sống được lòng nhân hậu thì đó là người công chính do ân sủng của Chúa Giêsu Kitô.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn