Tư tưởng của thánh Phaolô “có như không có” có vẻ xa lạ và mang tính chất yếm thế chăng?! Có tài sản như vô sản! Có gia đình như không có! Lập gia đình chỉ là rước cái khổ vào thân! Chúng ta hiểu tư tưởng này như thế nào?
Thánh nhân ở trong suy nghĩ của các tín hữu đương thời, đó là ngày Chúa Kitô trở lại đã sát bên rồi, sắp tận thế rồi. Kèm thêm là những cuộc bách hại nhắm đến các kitô hữu do chính quyền hoặc do những người theo các niềm tin khác sống chung quanh họ. Tất cả những điều ấy làm cho thánh nhân nói lên tư tưởng “có như không có” ở trên và được nhiều kitô hữu đương thời thấu hiểu, đồng cảm.
Suy nghĩ như thế sẽ không còn hợp thời nữa, trước hết vì ngày tận thế không được hiểu sẽ xảy ra tức thời như thời xưa từng nghĩ, và do đó, giáo huấn của Giáo Hội ngày càng lưu ý đến trách nhiệm trần thế của kitô hữu để xây dựng Nước Thiên Chúa khởi đầu từ chính cuộc sống hôm nay.
Tuy nhiên, tư tưởng của thánh Phaolô vẫn có thể được áp dụng theo cách suy nghĩ khác. Niềm tin kitô giáo vẫn luôn xác tín về hai thế giới vừa khác nhau vừa nối tiếp nhau lại cũng vừa đan xen vào nhau. Thế giới chúng ta đang sống đây sẽ qua đi và những gì chúng ta xây dựng hôm nay cần đặt vào thế sẽ dẫn đưa vào thế giới vĩnh cửu. Như vậy, nếu cách suy nghĩ và cách sống chỉ đóng khung trong thế giới này mà thôi, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Nhưng nếu xem thường và bỏ qua thế giới hôm nay lại là một sai lầm nghiêm trọng khác. Làm sao để nối kết hai thế giới ấy, đó mới là điều cần suy nghĩ và cần thực hành. Cách trình bày của Tin Mừng Luca về các mối phúc thật và những mối hoạ thật cho thấy cần sống được sự nối kết giữa hai thế giới.
Hãy thử nhìn lại cuộc sống thực tế của mỗi kitô hữu. Chúng ta dễ rớt vào thái độ chỉ dừng lại ở một trong hai thế giới và không nối kết được hai thế giới ấy với nhau. Chỉ tìm kiếm, giành giựt những điều vặt vãnh, chóng qua, là dừng lại ở thế giới chóng qua này! Sự tương phản, sự đối kháng giữa thái độ trong nhà thờ và trong cuộc sống hàng ngày, đó là không nối kết được hai cuộc sống!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn