Khi Chúa Giêsu chữa cho người bị quỷ ám ở hội đường Capharnaum, thần ô uế ấy la lên rằng: chuyện của chúng tôi có liên can gì đến ông?! (x. Mc 1,24). Quỷ cho rằng đó là chuyện riêng của nó với người bị ám, không can dự gì đến Chúa Giêsu. Nhưng làm sao không can dự được, vì từ là Thiên Chúa, Ngài Nhập Thể làm người là đã can dự cách sâu xa với loài người rồi! Thiên Chúa không chỉ là Đấng tạo dựng nên con người, nhưng còn là Đấng muốn trở thành con người để cứu họ và các thụ tạo khác. Còn hơn thế nữa, Con Thiên Chúa muốn trở thành anh em với loài người nữa.
“Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Hr 1,10-11).
Nếu Thiên Chúa đã muốn can dự với con người và còn can dự cách sâu xa để mang lấy bản tính nhân loại nữa, thì những ai không biết sống sự can dự với người khác là không hề giống Thiên Chúa chút nào! Mà quả thật, tính cách can dự là tính cách của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Chỉ có một Thiên Chúa muốn can dự mới tạo dựng con người theo hình ảnh của mình. Khi con người phạm tội rời xa Thiên Chúa, thì Ngài có cả một kế hoạch trong suốt dòng lịch sử để đưa con người tới ơn cứu độ. Điều đó giải thích tại sao Thiên Chúa không lìa bỏ Israel, dù họ có tội lỗi, dù họ có “tránh né” Thiên Chúa như thế nào, thì Ngài vẫn cứ “theo đuổi” họ, như cách trình bày của tiên tri Hôsê. Với Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa thực hiện bước cuối cùng của sự liên đới đó, và công trình này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô sẽ được đưa đến chỗ hoàn tất. Thiên Chúa muốn can dự vào cuộc sống con người cho đến cùng để đưa họ về sự hoàn tất của ơn cứu độ.
Sự dửng dưng với người khác là tình trạng của đời sống đô thị ngày nay, và điều ấy có khi xảy ra ngay trong đời sống gia đình, trong đời sống của các cộng đoàn đức tin nữa! Đó là chưa nói đến chuyện người ta thích sống theo ý mình, bất chấp những thiệt hại cho người khác!
Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa liên đới, luôn can dự vào đời sống của con người để cứu độ họ. Chính tình yêu là bản chất của Thiên Chúa đã khiến Ngài sống như vậy! Tôi có sống thực sự như là con cái Thiên Chúa, như là hình ảnh của Thiên Chúa không? Tôi có thiếu kiên nhẫn với những giới hạn của anh chị em không?
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn