Vừa xảy ra chuyện người thanh niên giàu có được đòi hỏi bỏ hết mà theo Đức Giêsu, thì liền sau đó, các môn đệ, mà đứng đầu là ông Phêrô, liền hỏi: vậy thì chúng con thì được gì? (x. Mt 19,27). Tuy dù các môn đệ không giàu có như chàng thanh niên kia, nhưng dù sao thuyền, lưới cũng là tất cả gia sản và là lẽ sống của các ông, nên việc họ bỏ những gì mình có mà theo Đức Giêsu thì cũng thật đáng tán dương. Tuy nhiên, các ông vẫn nhắm là mình được trở lại điều gì sau đó! Câu trả lời của Đức Giêsu đưa các ông đến “thời tái sinh” chứ không phải bây giờ. Các ông có được gì thì vào thời cánh chung chứ không phải bây giờ. Mà còn hơn nữa, Đức Giêsu cho thấy bây giờ các ông phải ở hàng chót thì thời cánh chung mới lên hàng đầu được!
Con người đi tìm địa vị, tìm chỗ đứng ở đời này. Những cuộc tranh cử, những sắp xếp, giành giựt chính trị cũng là để tìm chỗ đứng trên người khác và cũng mong là được hưởng lợi lộc nhiều hơn người khác! Người ta không thanh thản được với những gì mình đang có, không thanh thản là chính mình. Người ta muốn thể hiện, muốn chứng tỏ, muốn xưng hùng xưng bá! Qua tiên tri Êdêkien, Đức Chúa cũng cảnh cáo vua của thành Tyr, vì ông này ỷ mình giàu có nên cũng tự cho mình là thần linh!
Nhìn vào những người muốn được người ta coi mình như “thần linh”, tự biến mình thành thần tượng của người khác, muốn khẳng định quyền bính của mình trên người khác, tôi thấy họ khổ quá! Họ trở nên quá nhạy cảm với danh dự, với những lời chê bai của người khác, lo lắng người khác hại mình, mưu mô hạ người khác xuống và ghen tị khi người khác trổi lên...! Rồi một cơn bệnh xảy ra hoặc cái chết ập tới, họ trắng tay, bị bỏ rơi, bị chửi rủa, bị quên lãng! Chấm hết! Cả một đời vất vả, giành giựt, cuối cùng cũng không được gì cả!!! Không hiểu thế là khôn ngoan hay dại khờ mà người ta cứ cắm đầu vào đó?!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn