Lối sống công bằng đang trở thành vấn nạn cho người Việt Nam. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã làm một cuộc điều tra cho thấy tỉ lệ học sinh sống gian dối tăng theo cấp lớp, từ cấp I cho đến đại học. Ở cấp đại học, số sinh viên theo lối sống gian dối lên đến trên 80%!!! Phải chăng lối sống gian dối, đút lót, thiếu công bằng với người khác đang trở thành chọn lựa phổ biến và đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày, trong công ăn việc làm?! Lối sống vị tha không được yêu quý nhiều và nhiều khi bị chê cười là dại dột nữa!!!
Trong tình huống như thế, phải chăng sách Tôbia là tiếng hô lớn cho một lối sống công bằng và vị tha trong xã hội chúng ta hôm nay?! Sau tất cả những biến động của cuộc sống, giờ đây, sự nhạy bén với công bằng, lòng nhạy cảm với những người đau khổ của ông Tôbít đã được bù đắp. Thử thách của sự nghèo khó nay đã được đền đáp bằng số tiền người ta trả lại, và hơn nữa con trai lấy được vợ hiền; sự thử thách của mù loà, của sự chê cười về lòng nhạy cảm với những người bị giết mà không được chôn cất, nay được bù đắp vì ông đã sáng mắt, được Thiên Chúa trợ giúp qua thiên sứ Raphaen.
Thiên Chúa yêu mến những ai sống công bằng và nhạy cảm trước người khác. Dù họ có gặp gian nan bởi hoàn cảnh, bởi người chung quanh, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn ở với họ và phù trì họ. Hạnh phúc thực sự của một người không phải do từ sự gian dối, chiếm đoạt, ích kỷ, nhưng là ở nơi lòng vị tha, lòng chân thành, tình yêu đơn thành với người khác và lòng nhạy cảm với những người đau khổ. Sự kết thúc đời người gian tham là những của cải, chức quyền mà họ không mang theo được lúc lìa đời, có khi ngay giữa cuộc đời, khi mà công lý được thực thi! Hạnh phúc thực sự và sâu xa, sự hoàn thành một cuộc đời chỉ có được khi người ta sống lương thiện, ngay thẳng và yêu thương người chung quanh!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn