Ánh sáng và Ơn Cứu Độ từ Thiên Chúa - Thứ Sáu tuần 1 Mùa Vọng

Ánh sáng và Ơn Cứu Độ từ Thiên Chúa - Thứ Sáu tuần 1 Mùa Vọng

Ánh sáng và Ơn Cứu Độ từ Thiên Chúa - Thứ Sáu tuần 1 Mùa Vọng

ÁNH SÁNG VÀ ƠN CỨU ĐỘ TỪ THIÊN CHÚA 

Is 29,17-24; Mt 9,27-31 

Thứ Sáu tuần 1 Mùa Vọng, 02/12/2022

Thế kỷ 18 được gọi là “Thế Kỷ Ánh Sáng” (The Enlightenment) vì người ta nhận thức được giá trị của lý trí, gạt bỏ “sự thống trị” của tôn giáo (cách riêng là Kitô Giáo). Thế kỷ này có nhiều tiến bộ về khoa học cũng như có những tư tưởng cách mạng đáng kể. Tuy nhiên, đó cũng là thế kỷ nổi cộm của việc chiếm hữu nô lệ và phát triển quyền lực thống trị của nước này trên nước kia! Việc nhận thức về giá trị của lý trí góp phần sửa sai những cách suy nghĩ và thực hành tôn giáo xâm lấn những lãnh vực không phải của mình, làm con người không phát triển toàn diện với những ân ban của Chúa. Lý trí cũng là ân ban của Chúa cho con người. Nhưng khi đẩy mạnh quá mức, các cuộc cách mạng lại đưa đến những sai lầm ngược lại (các cuộc cách mạng mang tính chất phản kháng thường đi đến thái quá ngược lại). Khi quá đẩy cao khả năng của mình lên, con người lại trở nên “cứng đầu”, không biết lắng nghe, không biết đón nhận, do bởi sự ngạo mạn. Và điều này cũng thể hiện trong nhiều thời đại, cả thời đại hôm nay nữa.

Tiên tri Isaia nói về những người quyền thế, giàu có, ngạo mạn đến ngày “sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Giacóp là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.” (Is 29,23-24). Ánh sáng và ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người. Con người tự đẩy mình lên cao quá đáng sẽ sinh ra mù quáng và bạo lực!

Tin Mừng Matthêô kể hai câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người mù, một ở chương 9 hôm nay và một ở chương 20, 27-31 được ghi là xảy ra ở Giêricô; chuyện thứ hai cũng được hai Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại. Nhưng Matthêô có một khác biệt là, trong khi hai Tin Mừng kia kể chỉ có một người mù, thì Matthêô lại ghi là hai, cả ở chương 20 lẫn chương 9. Matthêô có dấu nhấn nơi đời sống cộng đoàn, ví dụ chương 18. Phải chăng “sự đui mù” theo nghĩa tinh thần và tâm linh thường mang tính tập thể và sự sáng mắt cũng thế?! Biết lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe nhau, người ta sẽ sáng mắt ra.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn