"Vui mừng chịu đau khổ vì anh em" - Thứ Hai Tuần XXIII - Mùa Thường Niên

"Vui mừng chịu đau khổ vì anh em" - Thứ Hai Tuần XXIII - Mùa Thường Niên

"Vui mừng chịu đau khổ vì anh em" - Thứ Hai Tuần XXIII - Mùa Thường Niên

“VUI MỪNG CHỊU ĐAU KHỔ VÌ ANH EM”

Cl 1,24 - 2,3; Lc 6,6-11

Thứ Hai Tuần XXIII - Mùa Thường Niên, 11/09/2023

“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Tôi bổ khuyết trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong những nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu, vì thân thể của Người” (Cl 1,24)

Làm sao những đau khổ của Đức Kitô lại còn thiếu được?! Đức Giêsu Kitô lịch sử đã chịu đau khổ nơi thân xác mình và đã chết cho ơn cứu độ nhân loại, điều đó đã đầy đủ và đã sinh ơn cứu độ. Tuy nhiên, nơi Thân Thể của Đức Kitô Toàn Thể, tức là bao gồm các thành phần của Hội Thánh với Đức Kitô là Đầu, thì còn phải lớn lên theo dòng lịch sử. Các chi thể của Đức Kitô Toàn Thể này cũng phải cùng chịu đau khổ với Đức Kitô vì lợi ích của toàn Thân Thể. Đó là phần “còn thiếu” nơi những đau khổ của Đức Kitô và các các chi thể dọc theo dòng thời gian, phải góp phần của mình. Thánh Phaolô góp phần mình khi đón nhận đau khổ cho anh chị em tín hữu. Chính vì ý nghĩa này mà thánh nhân nói: “tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em”.

Còn một khía cạnh khác là thánh nhân cũng chịu đau khổ do anh chị em tín hữu gây ra. Nhiều kitô hữu nghi ngờ, phê phán ngài. Và ngài cũng vui lòng chịu điều đó vì ích lợi cho Hội Thánh.

Chịu đau khổ vì anh chị em theo nghĩa để cho ích lợi của anh chị em, và chịu đau khổ vì anh chị em theo nghĩa đau khổ do bởi anh chị em mà ra. Cả hai đều cần. Nếu chịu đau khổ mà sinh ích lợi cho người khác, nhất là được người khác nhìn nhận công lao, thì còn chịu được; nhưng nếu chịu đau khổ vì cớ anh chị em, do anh chị em gây ra thì khó chấp nhận hơn, khó vui lòng hơn!!! Tuy nhiên, điều thứ hai này diễn tả một tình yêu lớn hơn. Những người mình yêu mến lại gây ra đau khổ cho mình, đó là điều khó chấp nhận. “Kẻ đồng bàn với tôi lại giơ gót đạp tôi”!

Tình yêu đích thực và sâu xa thì chịu đau khổ vì nhau, nhưng phải là trong bình an và niềm vui. Than thở cho thấy sự bình an và niềm vui chưa sâu!

“Xin cho con ơn chịu đau khổ vì yêu mến Ngài, yêu mến Ngài đang khổ đau” (Gioan Vianney)

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn