Điều trớ trêu của bản văn sách Sáng Thế hôm nay là một đàng mô tả con người cảm thấy xấu hổ vì mình trần trụi, đàng khác, Thiên Chúa lại nói về tham vọng của con người là trở thành “một kẻ ở giữa chúng ta” (St 3.22)! Con người muốn trở thành thần linh bằng cách loại trừ Thiên Chúa thì lại nhận ra thân phận thấp hèn của mình qua biểu tượng của sự trần trụi.
Khi đọc bản văn ấy, chúng ta thường lưu tâm đến sự trừng phạt của Thiên Chúa! Thật ra, những điều gọi là Thiên Chúa trừng phạt chỉ là những điều mà con người làm cho chính mình: chính con người tự loại mình ra khỏi sự sống thần linh. Thiên Chúa đã báo trước, và con người đã không chọn cây sự sống, nhưng chọn cây sự dữ, họ chọn cái chết!
Con người có tham vọng muốn trở thành “một kẻ ở giữa” Thiên Chúa, tức là trở thành thần linh và gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Thật ra, từ khi được dựng nên, con người đã mang nơi mình tính chất thần linh rồi, vì Thiên Chúa đã dựng nên con người “theo hình ảnh” của Ngài. Dù như thế, con người vẫn luôn là thụ tạo nên không thể tự mình hiện hữu, mà phải hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng tự hữu. Thiên Chúa toàn năng nhưng không thể làm ra một thụ tạo không phải là thụ tạo!!! Vì thế, con người là một thụ tạo thần linh thông phần với tính thần linh của Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn con người là “một kẻ ở giữa” Thiên Chúa theo nghĩa thông phần với Ngài. Nhưng con người đã tự loại mình ra. Phần Thiên Chúa, Ngài vẫn không từ bỏ ý định ban đầu, nên Ngài đã trở thành một người ở giữa loài người, trở thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta! Thật là một tình yêu diệu kỳ, trong khi con người cao ngạo đòi bằng Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại muốn hạ mình xuống bằng con người, sống như con người, để cứu con người! Thiên Chúa đã mang lấy thân xác yếu đuối của con người với sự đói khát, đau đớn, bệnh tật và cả cái chết nữa! Làm sao chúng ta có thể diễn tả hết được điều này nhỉ?!
Và nếu Thiên Chúa lại muốn trở nên bé nhỏ để ở giữa những người mà mình yêu mến, thì tại sao trong cuộc sống của các cộng đoàn đức tin, người này, người kia lại muốn tỏ ra ta đây, tỏ ra quyền thế để ở trên người khác nhỉ?! Phải chăng họ thiếu tình yêu nên không muốn ở giữa những người chung quanh? Họ chỉ yêu bản thân nên muốn “ngồi trên” người khác!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn