Tình yêu muôn thuở - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tình yêu muôn thuở - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tình yêu muôn thuở - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tình yêu muôn thuở

Hs 11,1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3,8-12.14-19

Ga 19,31-37

 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thứ Sáu 07/06/2024

 

Thánh Tâm Chúa Giêsu là diễn tả tuyệt đỉnh của tình yêu Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha” (trích tông chiếu “Khuôn mặt xót thương”, số 1). Và điều này được trình bày qua các bài Sách Thánh của thánh lễ hôm nay.

Tiên tri Hôsê trình bày tình thương của Thiên Chúa qua nhiều khuôn mặt với những mối tương quan khác nhau. Như tình yêu phu phụ, Thiên Chúa mãi kiên nhẫn và luôn đầy lòng tha thứ đối với dân như người vợ lăng loàn! Như tình phụ tử, Thiên Chúa đưa dẫn dân về đất hứa, không nóng giận trước sự phản bội, sự hời hợt và tính hay đòi hỏi của dân. Như tình mẫu tử, Thiên Chúa yêu dân ngay từ ban đầu, khi dân còn non trẻ. Ngài đã chăm bẵm trên đầu gối, đút cho từng miếng ăn, nâng lên áp vào má, luôn thổn thức, bồi hồi vì dân.

Nơi thư Êphêsô của thánh Phaolô, tình yêu Thiên Chúa được nói đến như là tình yêu đã có từ muôn thuở và được thể hiện với đỉnh cao nơi Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng Gioan cho thấy đỉnh cao ấy qua hình ảnh trái tim bị đâm thâu và đổ máu ra. Trái tim bị đâm thâu ấy cho thấy con người từ khước tình yêu Thiên Chúa, đồng thời cũng cho thấy một vị Thiên Chúa yêu cho đến cùng và sẵn sàng hy sinh cho con người.

Chưa hiểu về Thiên Chúa như là vị Thiên Chúa của tình yêu thì chưa hiểu gì về Thiên Chúa. Chưa sống được tâm tình hạnh phúc vì được đón nhận tình yêu cho đến cùng ấy, và chưa sống được tình yêu quảng đại với tha nhân, thì cũng là chưa hiểu gì về Thiên Chúa cả. Khi ở trong tình trạng ấy, kitô hữu chỉ là cái danh, cái vỏ bên ngoài hoặc là họ chỉ có một niềm tin kitô giáo lệch lạc và hời hợt. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Ga 4,8 và 16) viết chữ hoa. Kitô hữu là hình ảnh Thiên Chúa, là hình ảnh của Chúa Kitô, thì cũng phải là hiện thân của tình yêu viết chữ thường. Đó mới thực sự là kitô hữu, mới là kitô hữu đích danh.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn