Tình yêu luôn tìm kiếm - Thứ Bảy Tuần XV - Mùa Thường Niên

Tình yêu luôn tìm kiếm - Thứ Bảy Tuần XV - Mùa Thường Niên

Tình yêu luôn tìm kiếm - Thứ Bảy Tuần XV - Mùa Thường Niên

TÌNH YÊU LUÔN TÌM KIẾM 

Dc 3,1-4a; Ga 20,1-2.11-18 

Thứ Bảy Tuần XV - Mùa Thường Niên, 22/07/ 2023, thánh nữ Maria Mađalêna

Một vấn nạn lớn trong tình yêu, đó là sự chiếm hữu. Cha mẹ yêu mến con cái và đòi buộc con cái sống theo cách suy nghĩ của mình, bởi vì nghĩ nó là “của mình”, do mình sinh ra, nó phải theo ý mình. Cám dỗ của đời sống vợ chồng là coi người kia là sở hữu của mình, muốn mọi thứ người kia phải làm theo mình! Người lớn nghĩ rằng có trách nhiệm là bắt người dưới phải làm theo ý mình, nghĩ như mình và không được có ý kiến khác! Ước muốn chiếm hữu trong tình yêu nhiều khi gây ra đổ vỡ!

Tương quan của cô Maria Mađalêna với Đức Giêsu được phụng vụ không ngần ngại gợi ý bằng đoạn trích sách Diễm Ca, mô tả cô thiếu nữ đi tìm kiếm người yêu bị lạc mất. Và bài Tin Mừng mô tả hình ảnh cô đi tìm xác Đức Giêsu bị lấy mất. Cô yêu mến Đức Giêsu nên muốn trở lại mồ từ sáng sớm bên Đức Giêsu và xem còn làm được gì cho xác của Thầy mình. Câu chuyện dẫn chúng ta đến điều này: cô Mađalêna vui mừng muốn ôm lấy chân Thầy vừa sống lại, nhưng Đức Giêsu bảo: Đừng giữ Thầy lại, nhưng hãy đi báo tin Thầy đã phục sinh. Tình yêu đối với Thiên Chúa cũng không được “giữ” Ngài lại, muốn Ngài làm theo ý mình muốn.

Tình yêu sai lạc thì muốn chiếm hữu người khác. Đó là biểu hiện của cái tôi ích kỷ, của đam mê quy ngã, muốn người khác sống theo ý mình. Còn tình yêu thực sự thì biết rằng từ nay mình thuộc về nhau, để lưu tâm tìm kiếm niềm vui cho nhau. Trong tình yêu đích thực này, người ta không bận tâm đến chiếm hữu cho bằng đi tìm kiếm, luôn khám phá về nhau và luôn tìm kiếm những điều tốt lành cho nhau. Điều này rất thực tế đối với cha mẹ trước con cái. Con cái dần dần lớn lên, tâm thức thay đổi theo thế hệ của chúng, khác với cha mẹ, làm cho cha mẹ rất khổ sở, cứ muốn con cái có quan niệm sống y như mình! Cần sự khám phá về người mình yêu mến và thích ứng với nhau.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn