Chúa Giêsu khuyên hãy mời những người nghèo đến dự tiệc, chứ không phải người giàu với lý lẽ như sau: “Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14). Động từ “sẽ được đáp lễ” ở thể thụ động, ngôi thứ ba, số ít. Đó là cách diễn tả của Thánh Kinh với ý chỉ chủ thể là chính Thiên Chúa. Người ta kính trọng Thiên Chúa nên nói trống như vậy.
Điều thú vị là “sẽ được đáp lễ” trong tiếng Hy Lạp là antapodothēsetai có nghĩa là “trả lại tương xứng” hoặc “thưởng công” (to give back as an equivalent, recompense). Điều người ta làm cho người nghèo được Thiên Chúa coi như làm cho chính Ngài và Ngài trả lại! Thiên Chúa sống đầy tình nghĩa với con người, nhất là với người nghèo.
Câu đáp ca: “Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.” (Tv 68,14) được hiểu là xin Chúa hãy nhận lời chúng con cầu xin vì “tình yêu lớn lao” (great love/ grand amour) của Ngài. Điều này có nghĩa là: không phải vì công trạng gì của người cầu xin, nhưng chỉ vì tình yêu của Ngài mà thôi.
Thánh Phaolô cũng nói về ân tình của Thiên Chúa khi viết rằng Thiên Chúa vẫn giữ mãi ân tình với người Do Thái dù họ quay lưng với Ngài; đồng thời cũng vì tình yêu mà Ngài gọi dân ngoại đến hưởng ơn cứu độ.
Thiên Chúa luôn sống bằng ân tình, bất kể sự bất trung của con người. Với Thiên Chúa, không có sự sòng phẳng hay “ăn miếng trả miếng”, nhưng mãi là ân tình! Con người được dựng nên là hình ảnh Thiên Chúa đấy, hãy sống như Ngài!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn