Tín hữu chúng ta nói và nghe nói nhiều về đức tin, đến nỗi điều đó trở nên sáo ngữ, những lời ấy qua đi mà không để lại ảnh hưởng gì đến đời sống. Nhưng đức tin thật thì không dừng lại ở lý thuyết. Nếu là niềm tin, là xác tín, thì điều ấy bao giờ cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, chọn lựa và đời sống.
Thư Hipri nói về niềm tin của ông tổ Abraham đã khiến ông dấn thân, bỏ quê hương để đi theo lời kêu gọi của Thiên Chúa, dám hy sinh đứa con duy nhất của mình mà không biết đó chỉ là một thử thách đức tin mà thôi. Sau khi có lại được đứa con, dù đó là đứa con trai duy nhất, nhưng ông vẫn tin là từ người con đó, ông sẽ có một dòng dõi đông đúc. “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa” (Hr 11,13).
Còn các môn đệ của Chúa Giêsu, khi đối diện với nguy cơ đến tính mạng, các ông sợ hãi quá, dù Chúa Giêsu đang ngủ trên thuyền của các ông. Sau khi làm cho sóng gió yên lặng, Chúa Giêsu trách: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” (Mc 4,40).
Đức tin thực sự và sâu sắc thì đòi tín hữu dấn thân đi tới trước, cho dù chưa thấy kết quả đâu! Đức tin đòi dấn thân và phó thác cho Thiên Chúa. Đó chính là thách thức lớn cho các tín hữu trong thời đại hôm nay, một thời đại thực dụng, đòi kết quả ngay, đòi nắm được kết quả trong tay, đòi đổi chác sòng phẳng! Nhưng như thế thì không phải là đức tin mà chỉ là kinh doanh! Mà nếu không có đức tin, chỉ có sòng phẳng, thì tương quan với Thiên Chúa không còn gì nữa cả!
Một sự dấn thân với tinh thần phó thác, tuy dù có phiêu lưu, nhưng cũng mang lại cho tín hữu một tâm hồn hạnh phúc và bình an. Điều nghịch lý là, chính lúc ấy, tín hữu lại nhận được kết quả, bởi vì Thiên Chúa chỉ hành động nơi người tin.
“Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” (Mt 13,58)
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn