Thấy Thầy là thấy Cha - Thánh Philipphê và thánh Giacôbê, tông đồ

Thấy Thầy là thấy Cha - Thánh Philipphê và thánh Giacôbê, tông đồ

Thấy Thầy là thấy Cha - Thánh Philipphê và thánh Giacôbê, tông đồ

THẤY THẦY LÀ THẤY CHA 

1Cr 15,1-8; Ga 14,6-14 

Thánh Philipphê và thánh Giacôbê, tông đồ, Thứ Tư 03/05/2023

Lễ các thánh, phụng vụ ưu tiên chọn những đoạn Sách Thánh nào liên quan đến vị thánh ấy. Thư thứ nhất Côrintô có nhắc nhớ Chúa Kitô phục sinh đã hiện ra với ông Giacôbê. Trong vai trò thủ lãnh của Giáo Hội Giêrusalem sau này, việc ông có cuộc gặp gỡ trực tiếp với Chúa Kitô phục sinh như vậy thật là quý giá.

Còn ông Philipphê thì được Tin Mừng Gioan nhắc đến trong bữa tiệc sau hết của Chúa Giêsu. Ông xin với Thầy: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Tuy dù Thầy Giêsu có trách ông rằng ở với Người bao lâu nay mà không biết rằng ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha rồi, nhưng lời trách ấy thực ra đều có liên hệ với toàn bộ Nhóm Mười Hai, vì có ai trong số họ ý thức được điều đó đâu! Nói cách khác, hình thức thì là một lời trách, nhưng thực chất là nhắc lại mạc khải Người đã nói trước đó: “Tôi và Cha Tôi là một” (Ga 10,30).

Ở đây Chúa Giêsu đi xa hơn nữa khi giải thích: những lời Người nói là chính Chúa Cha nói trong Người, những gì Người làm cũng là chính Chúa Cha thực hiện trong Người (x. Ga 14,10-11). Sự kết hợp nên một thật sâu xa. Và lại còn xa hơn nữa khi Chúa Giêsu nói: ai tin Thầy thì cũng làm được những việc Thầy làm (x. 14,12). Như vậy, có một sự kết hợp mật thiết giữa những người tin và chính Chúa Giêsu.

Tính đáng tín cậy của Chúa Giêsu chính là Người nói và làm việc của Chúa Cha. Như vậy, độ đáng tin cậy của các tín hữu cũng không có gì khác hơn là nói và làm điều Thiên Chúa muốn, điều được Thánh Thần của Đức Kitô phục sinh soi sáng và thúc đẩy. Chúng ta đâu có được mời gọi làm điều gì vĩ đại, tạo nên những thành công vang dội, mà đơn giản là nói và làm điều Thiên Chúa muốn. Vậy thì làm sao để tôi lột bỏ những đam mê, những tham vọng của mình, tham vọng về chính mình, để mình trở nên tự do cho Thánh Thần. Đó là sự hoàn thiện Kitô Giáo.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn