Đức Giêsu nói về “phép rửa” mà Ngài ao ước thực hiện (x. Lc 12,50), đó là sự tự hiến, là chết đi chính mình để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, để quy tụ con người lại với nhau và đưa họ về cho Thiên Chúa. Thế nhưng, đứng trước con đường đó, người ta lại chia rẽ nhau. Người ta chia rẽ vì không muốn đi theo con đường đó. Đấng Messia như ước muốn của họ không phải là như vậy. Và sự phân rẽ này đi đến cực điểm là loại trừ Đức Giêsu bằng cách kết án Ngài với cái chết trên thập giá!
Sứ điệp mà ông Phaolô muốn nói với cộng đoàn Êphêsô là Thiên Chúa quy tụ cả dân Do Thái và dân ngoại nên một bằng cái chết của Đức Giêsu Kitô (x. Ep 2,16-18). Chính cái chết ấy cho thấy đỉnh cao của tình thương Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Nhưng phải chăng ước vọng đi vào “phép rửa” ấy của Đức Giêsu đã được thực hiện một lần và đã hoàn tất? Thực ra, khát vọng ấy vẫn mang tính hiện đại. Sự quy tụ mà Đức Giêsu muốn thực hiện hôm nay có khi cần thiết nơi cộng đoàn các tín hữu nữa, chứ không chỉ cho nhân loại nói chung, bởi vì vẫn có sự chia rẽ ngay trong các gia đình Công Giáo, nơi các cộng đoàn đức tin. Chúa Giêsu Kitô vẫn cần làm cho giá trị của “phép rửa” ấy được hữu hiệu nơi các cộng đoàn này nữa.
“Phép rửa” ngày nay trong các cộng đoàn kitô hữu bao gồm “phép rửa” của Chúa Kitô và cả “phép rửa” của kitô hữu nữa, nghĩa là chính các kitô hữu cũng cần đi vào con đường của mầu nhiệm thập giá này. Các kitô hữu không chấp nhận hy sinh cho nhau, không chịu sỉ nhục khi nhường nhịn nhau, nên họ tiếp tục gây ra chia rẽ trong các gia đình, trong các cộng đoàn! Kitô hữu có thể đeo thánh giá trên cổ để trang điểm, treo thập giá trên tường để trang trí, vẫn làm dấu thánh giá trên mình mỗi ngày nhiều lần để tỏ ra đạo đức, nhưng họ vẫn chưa sống khiêm hạ, hy sinh vì tình thương dành cho anh chị em mình, nên các cộng đoàn ấy vẫn cứ đổ vỡ! Chỉ khi con đường thập giá có thể quy tụ, thì đó mới thực sự là thập giá của Đức Giêsu Kitô.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn