Thập giá gây chia rẽ hay quy tụ? Thứ Ba Tuần XXVI - Mùa Thường Niên

Thập giá gây chia rẽ hay quy tụ? Thứ Ba Tuần XXVI - Mùa Thường Niên

Thập giá gây chia rẽ hay quy tụ? Thứ Ba Tuần XXVI - Mùa Thường Niên

THẬP GIÁ GÂY CHIA RẼ HAY QUY TỤ ?

Dcr 8,20-23; Lc 9,51-56 

Thứ Ba Tuần XXVI - Mùa Thường Niên, 03/10/2023

Chúng ta đã nói về thập giá là điểm quy tụ ở bài suy niệm thứ bảy vừa rồi. Hôm nay, chúng ta tiếp tục ý tưởng đó. Tiên tri Dacaria loan báo về ngày mà muôn dân sẽ tụ về Giêrusalem vì nhận biết Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa chân thật. Đây là cách nhìn sau thời lưu đày, sau khi dân Israel đã có dịp tiếp cận với dân ngoại. Họ thay đổi quan niệm thần học: không phải mỗi vùng đất có một vị thần, nhưng Đức Chúa của Israel là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại. Và như vậy, họ nhìn thấy rằng một ngày nào đó, muôn dân sẽ quy tụ về bên Đức Chúa để thờ phượng Ngài, và nơi họ phải quy tụ về là Giêrusalem, thủ đô của dân Israel. Cái nhìn này có lẽ vẫn còn mang ít nhiều màu sắc dân tộc, muốn vượt trên dân mà mình đã làm nô lệ cho họ.

Đức Giêsu thì đi con đường khác. Ngài quy tụ bằng thập giá. Ngài cương quyết đi về Giêrusalem, không phải theo cách nghĩ về vinh quang như dân Israel, nhưng để đi vào con đường thập giá, mà oái oăm thay, những người đẩy Ngài đến cái chết lại là chính dân tộc Israel của Ngài! Họ muốn loại trừ Ngài, nhưng Đức Giêsu lại dùng chính thập giá ấy để quy tụ.

Dân Samaria không tiếp đón Đức Giêsu vì Ngài đi về Giêrusalem, thủ đô của dân Israel mà họ thù hằn. Giacôbê và Gioan phản ứng lại cũng với tinh thần thù hận và loại trừ: xin Thầy cho lửa trời giết chết dân Samaria! Đức Giêsu đi con đường khác. Con đường thập giá là sự tự hạ và là lòng yêu thương, nên Đức Giêsu không bằng lòng thái độ thù hằn của hai môn đệ. Ngài tôn trọng cảm xúc của người dân Samaria và Ngài lánh sang đường khác mà đi.

Khi người ta kiêu hãnh và thù hận thì chỉ có loại trừ, thống trị. Đức Giêsu mời gọi những ai đi theo Ngài hãy đi con đường khác, con đường thập giá, là con đường của sự tự hạ và yêu thương. Vì thế mà thập giá trở thành nơi quy tụ mọi người, vượt qua mọi ý thức hệ, vượt qua chủ nghĩa dân tộc quá khích, phe nhóm. Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu của cánh tay giang ra và đón nhận mọi người, ngay cả những người thù hận, loại trừ, nhục mạ Ngài.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn