Gương mặt ông Môsê trở nên sáng láng sau khi gặp gỡ với Đức Chúa, nên ông phải dùng khăn che mặt lại khi tiếp xúc với dân. Dưới tấm khăn ấy, dân chúng biết đó là người của Thiên Chúa, và lời ông nói chính là lời Đức Chúa muốn nói với họ. Trình thuật của sách Xuất Hành và sách Đệ Nhị Luật đặt câu chuyện này vào gần cuối sách và cũng là cuối của trình thuật về việc Đức Chúa ban Lề Luật ở núi Sinai. Hình ảnh ông Môsê được dân quy phục. Nhưng thực tế thì trước đó và sau đó, dân này còn nhiều phen phản kháng ông Môsê lắm. Điều này mang ý nghĩa khá là hiện sinh, bởi vì hành trình cuộc đời của tín hữu có những khi rất sốt sắng, dễ bảo, nhưng cũng nhiều phen lạnh nhạt, phản kháng lại Thiên Chúa và lời dạy bảo của Ngài, bởi vì vị Thiên Chúa ấy vẫn cứ còn “ở dưới tấm khăn”, chưa hoàn toàn tỏ hiện cách rõ ràng.
Hai dụ ngôn về Nước Trời trong Tin Mừng cũng giúp hiểu về điều đó: dưới mặt đất ấy là một kho tàng, bên dưới viên đá tầm thường ấy là viên ngọc quý. Phải có “đôi mắt hiểu biết” và vất vả bởi cầy sâu cuốc bẫm, bởi mài giũa thì kho tàng, thì ngọc quý mới hiện ra.
Kiếp nhân sinh là vậy đó. Nếu cái nhìn quá hời hợt, chỉ thấy bề mặt, chỉ muốn hưởng thụ ngay và ích kỷ, thì cuộc đời cũng tầm thường. Nếu thấy cuộc đời cũng chỉ là mặt đất thô, là viên đá sần sùi, thì nhiều khi người ta than thở, chán nản. Nếu chỉ nhìn người chung quanh với bộ mặt thô ráp thì người ta chỉ có than thở về họ, chỉ là những phản kháng nhau. Dưới tấm khăn là khuôn mặt thần linh, dưới mặt đất và viên đá thô ráp là kho tàng. Cần nỗ lực nhiều lắm và cần cái nhìn thiêng thánh để nhìn ra được khuôn mặt của Thiên Chúa, để lắng nghe được tiếng nói của Ngài. Để cho mình được dạy bảo bởi lời Đức Kitô, tín hữu sẽ được Ngài “vén khăn lên” để “nhìn thấy” Thiên Chúa.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn