Ngày lễ nhớ việc ông Phaolô trở lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Trước hết là sự trở lại với Đức Kitô. Tại sao gọi là “trở lại” trong khi người ta có khởi đi từ Đức Kitô đâu mà trở lại? hoặc phải chăng người ta phạm tội nên đòi phải trở lại với Đức Kitô? Do Thái Giáo đã khởi đi từ Đức Chúa và luôn luôn đòi phải quy hướng về Ngài. Trong dòng lịch sử, Đức Chúa đã sai nhiều tiên tri đến để nhắc nhở dân trở về với Ngài. Với Đức Giêsu Kitô thì điều này mang ý nghĩa đặc biệt. Ngài là vị tiên tri nói lời Thiên Chúa cách hoàn hảo nhất, bởi vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa và chính Ngài cũng là Thiên Chúa. Trở về với Thiên Chúa có nghĩa là trở về với Chúa Giêsu Kitô và ngược lại. Cả hai là một. Trong tuần lễ Đại Kết Kitô Giáo này, mọi Giáo Hội đều cần ý thức trở lại với Chúa Kitô, với chính Chúa Kitô.
Trở lại với Đức Giêsu Kitô còn có ý nghĩa là biết thay đổi suy nghĩ, chọn lựa của con người bằng những gì là của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Trong các trình thuật Cựu Ước, nhiều khi người ta gán ghép những suy nghĩ, tâm tình của con người cho Thiên Chúa! Đọc Cựu Ước, cần phân biệt được điều này. Thiên Chúa nào lại đi bẻ cổ, đánh gẫy răng những người thù địch với dân Do Thái?! Cần chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô để biết rõ về Thiên Chúa. Với Đức Giêsu Kitô, sức mạnh của Thiên Chúa không thể hiện qua kiểu cách bạo lực của con người, nhưng luôn luôn là tình thương. Ông Saolô bách hại các kitô hữu bằng một thứ bạo lực “được phép” từ vị thượng tế! Ông đã bị quật ngã và được giải thoát nhờ quyền năng Thiên Chúa qua ông Khanania, một kitô hữu bị bách hại. Sức mạnh ấy là sự giải thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, là ơn tha thứ!
Con người thể hiện sức mạnh của mình qua bạo lực, tiền của, quyền bính, còn Thiên Chúa thể hiện sức mạnh của Ngài qua lòng tha thứ, qua sự hạ mình. Sức mạnh thực sự thì xây dựng, làm phát triển. Còn sự yếu nhược lại vùng vẫy và làm tổn thương, gây ra sụp đổ!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn