Sự liên đới nội tại - Thứ Ba Tuần XXXI - Mùa Thường Niên

Sự liên đới nội tại - Thứ Ba Tuần XXXI - Mùa Thường Niên

Sự liên đới  nội tại - Thứ Ba Tuần XXXI - Mùa Thường Niên

SỰ LIÊN ĐỚI NỘI TẠI

Rm 12,5-16a; Lc 14,15-24

Thứ Ba Tuần XXXI - Mùa Thường Niên

07/11/2023

Sự liên đới nội tại có nghĩa là liên đới sâu xa ở nơi chính mình, nơi toàn bộ con người của mình. Thế giới ngày nay lưu tâm đến sự liên đới, nhưng nhiều khi người ta bị cám dỗ dừng lại ở những liên đới bên ngoài nhằm tìm ích lợi cho bản thân. Các nước biết mình cần đến nhau nhưng cũng ở trong tư thế “kèn cựa” nhau, cho nên hôm nay là bạn hữu nhưng ngày mai có thể là kẻ thù. Sự liên đới trong công việc nhiều khi chỉ nhắm đến lợi nhuận, cho nên nếu thấy không có lợi cho mình thì người ta loại bỏ nhau hay từ khước nhau. Điều này xảy ra trong các hợp tác kinh doanh, nhưng đáng buồn là nhiều khi cũng diễn ra trong đời sống gia đình, cộng đoàn hay trong những tương quan cá nhân nữa! Những người “không sinh ích lợi” được người ta hiểu là người khuyết tật, người không làm ra tiền, người ít tài năng…, và là những người “chống đối”.

Thánh Phaolô nói rằng người ta có liên đới với nhau như là những chi thể trong cùng một thân thể. Ngài mời gọi mỗi người hãy nhận thức giá trị của mình và làm cho tốt vai trò của mình: tiên tri thì nói lời hợp với đức tin, người phục vụ thì phục vụ cho tốt, người phân phát thì chân thành, người chủ toạ thì nhiệt tâm, người làm bác ái thì vui vẻ… Đồng thời, cũng cần ý thức mình có liên đới đến người khác. Mình cần người khác và người khác cũng cần mình nữa!

Tin Mừng cho thấy có những người chỉ tìm lợi ích cá nhân, chỉ quan tâm đến cuộc sống của mình thôi, và họ tự loại trừ mình ra khỏi mối liên đới với người khác và môi trường chung quanh. Nhưng đó là mối liên đới nội tại sâu xa, nên khi loại trừ người khác, những điều khác biệt, là tự loại trừ chính mình!

Cuộc sống có những xung đột liên vị giữa người này và người khác. Thánh Phaolô dạy: hãy chúc lành chứ đừng nguyền rủa, bắt bớ; đừng tự cao tự đại nhưng yêu thích những điều hèn mọn; hãy vui với người vui, khóc với người khóc!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn