Sự công bằng - tình thương, cách nói này có vẻ nghịch lý! Trong tư tưởng của con người, trong cách đối xử với nhau hàng ngày, người ta thường mang lý lẽ ra mà xử với nhau, người ta thường đấu với nhau nhân danh công bằng! Và luân lý công giáo cũng thường nói rằng: không có công bằng thì cũng không có bác ái, nghĩa là nếu đã không có công bằng với nhau thì những điều tự coi là bác ái với người khác chỉ là giả dối, là một thứ che đậy thôi!
Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho vào những giờ khác nhau nhằm nói về những người tội lỗi, về dân ngoại như người thợ được gọi vào giờ thứ mười một, tức là giờ sau cùng, nhưng được Thiên Chúa yêu mến và cử xử đầy tình thương. Những người thợ được gọi vào giờ thứ nhất tượng trưng cho người Do Thái, cách riêng là những người được coi hay tự coi mình là đạo đức . Những người này khó chịu vì nghĩ rằng họ có công hơn và Thiên Chúa phải ưu đãi họ hơn. Nhưng Thiên Chúa không cử xử bất công với họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20,13).
Cách cư xử của Thiên Chúa không dừng lại ở sự công bằng, nhưng luôn vượt xa bằng lòng thương xót. Những người Do Thái bị lưu đày Babilon ý thức mình đáng phạt vì tội lỗi, nhưng Thiên Chúa thì kêu mời họ sám hối để được Ngài thứ tha, vì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác với loài người (x. Is 55,7-8), luôn luôn là lòng thương xót và thứ tha.
Nét đặc trưng làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, đó là tình thương, lòng nhân ái. Và người nào nói rằng mình biết Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh chị em, bởi vì Thiên Chúa là tình thương (x. 1Ga 4,7-8). Cay cú, gay gắt, ghen tức với nhau thì không thực sự là kitô hữu, bởi vì không có Thiên Chúa! Gia đình nào, cộng đoàn nào có tình thương thì nơi đó thực sự có Thiên Chúa. Có Thiên Chúa trong gia đình, trong cộng đoàn thì thực sự có an vui, hạnh phúc!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn