Sống ý nghĩa thờ phượng của Thập Giá - Thứ Hai Tuần XIX - Mùa Thường Niên

Sống ý nghĩa thờ phượng của Thập Giá - Thứ Hai Tuần XIX - Mùa Thường Niên

Sống ý nghĩa thờ phượng của Thập Giá - Thứ Hai Tuần XIX - Mùa Thường Niên

Sống ý nghĩa thờ phượng của Thập Giá

Ed 1,2-5.24-28c; Mt 17,22-27

Thứ Hai Tuần XIX - Mùa Thường Niên

12/08/2024

 

Trích đoạn Tin Mừng Matthêô của phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm cho người ta có cảm tưởng đoạn văn gồm có hai phần và dường như chúng không có liên hệ gì với nhau, nên cũng không hiểu tại sao phụng vụ lại trích hai phần này cùng với nhau. Phần đầu là lời loan báo lần II của Đức Giêsu về cuộc thương khó, có liên hệ trực tiếp với những phần trước đó là lời loan báo lần I về cuộc thương khó, điều kiện làm môn đệ là theo Đức Giêsu trên con đường thập giá, cuộc hiển dung để cổ võ môn đệ can đảm bước theo Ngài trên đường thập giá, Đức Giêsu nói ông Gioan Tiền Hô bị người ta loại trừ giống như Ngài. Còn phần sau của bài Tin Mừng hôm nay là việc nộp thuế cho Đền Thờ xem ra không có liên hệ gì với những phần ở trên.

Người Do Thái có luật nộp thuế cho Đền Thờ bằng loại tiền dành riêng cho hoạt động tôn giáo. Vì thế mà có dịch vụ đổi tiền trong Đền Thờ, để đổi từ tiền dùng trong giao dịch hàng ngày lấy tiền của Đền Thờ. Tiền nộp thuế này được dùng cho việc thờ phượng của Đền Thờ. Như vậy, người Do Thái thể hiện lòng thờ phượng bằng cách góp tiền, còn Đức Giêsu thì đóng góp bằng chính mạng sống của Ngài để thờ phượng Thiên Chúa. Việc Đức Giêsu bảo ông Phêrô đóng tiền cho mình và cho ông này chỉ là để tránh thắc mắc cho người Do Thái thôi, chứ Ngài vì là Con Thiên Chúa, hơn nữa là Thiên Chúa, thì Ngài không phải đóng góp cho việc này. Như thế, việc Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng chính mạng sống của Ngài là hành vi tự nguyện. Và đó mới là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cách sâu xa nhất, bằng cách dâng cho Thiên Chúa ý muốn riêng, và dâng chính mạng sống mình để thực hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho loài người.

“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1).

Như thế, việc thờ phượng của các tín hữu cũng không được dừng lại ở những lễ nghi, tiền của, nhưng còn là chính con người của mình, được thể hiện qua hành vi thể lý, qua việc hiến dâng ý riêng vì lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Đó mới là việc thờ phượng mà Thiên Chúa ưa thích.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn