Ơn hiểu biết và tính chất dụ ngôn của mầu nhiệm - Thứ Bảy Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, thánh Piô Piêtrelcina

Ơn hiểu biết và tính chất dụ ngôn của mầu nhiệm - Thứ Bảy Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, thánh Piô Piêtrelcina

Ơn hiểu biết và tính chất dụ ngôn của mầu nhiệm  - Thứ Bảy Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, thánh Piô Piêtrelcina

ƠN HIỂU BIẾT VÀ TÍNH CHẤT DỤ NGÔN CỦA MẦU NHIỆM

1Tm 6,13-16; Lc 8,4-15

Thứ Bảy Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, thánh Piô Piêtrelcina

23/09/2023

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn [thấy], nghe mà không hiểu.” (Lc 8,10)

Vậy, phải chăng ơn hiểu biết các mầu nhiệm chỉ dành cho một số ít, còn “dân thường” thì không thể hiểu?! Vậy Lời Chúa để làm gì, nếu dân chúng không hiểu? Phải chăng Lời Chúa cũng chỉ dành cho số người tuyển chọn ấy?!

Hiểu biết các mầu nhiệm thần linh luôn là ân ban của Chúa, chứ không dừng lại ở bình diện trí tuệ. Và có những ơn hiểu biết của Thánh Thần chỉ dành cho một số ít, ví dụ như trường hợp của ông Phêrô. “Đức Giêsu nói với ông: ‘Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17). Tuy nhiên, ở bình diện khác, Lời Chúa là lời nói với con người, để đưa con người vào tương giao với Chúa và để họ sống Lời Ngài. Như vậy, mọi người cũng được Chúa ban cho ơn hiểu biết mầu nhiệm theo mức độ nào đó chứ!

Ơn Chúa ban cho ai là tự do của Chúa, và Ngài không thiên vị ai. Nhưng vấn đề là người ta có biết đón nhận hay không! Ai đón nhận và dấn thân theo Lời Ngài, dám trả giá khi sống Lời ấy, thì sẽ càng ngày càng đi sâu vào mầu nhiệm thần linh. “Ai đã có thì được cho thêm” (Mt 13,12).

Tuy nhiên, với bất kỳ ai, Nước Trời vẫn luôn là mầu nhiệm, vẫn luôn mang tính chất dụ ngôn. Để hiểu dụ ngôn, cần biết suy nghĩ về cuộc đời, bởi vì Lời Chúa mạc khải cho con người biết mầu nhiệm của cuộc sống. Sống mà biết suy nghĩ cách sâu sắc; biết vượt qua những giận hờn, ghen tị nhỏ nhen; biết vượt qua những tự ti do bị tổn thương... thì người ta có thể bắt lấy chiều sâu của cuộc sống và khám phá những điều mới lạ và kỳ thú của mầu nhiệm Nước Trời ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Thánh Piô Pietrelcina (Piô Năm Dấu) là một người nghèo, để cho mình bị Thiên Chúa lột bỏ, nên cũng được đưa vào tương quan thần bí với Thiên Chúa.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn