Tiếp tục mạch văn của Marcô, sau câu chuyện anh mù được chữa lành hai lần, lần đầu chỉ thấy lờ mờ, lần sau mới thấy rõ, hôm nay, với đoạn Tin Mừng ông Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu và việc Người khiển trách ông, thì chúng ta mới hiểu rõ hơn ý nghĩa của điều được gọi là “thấy lờ mờ”.
Đúng là ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô” có nghĩa là Đấng được xức dầu, là danh hiệu người ta dùng để chỉ về Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa từ bao đời nay. Tuy nhiên, nhờ Tin Mừng Matthêô mà chúng ta biết rằng lời tuyên xưng đó có được là do mạc khải của Chúa Cha dành cho ông này (x. Mt 16,17), chứ còn để hiểu được nội dung lời tuyên xưng ấy thì ông này còn lù mù lắm! Bằng chứng của điều ấy là ngay lập tức sau lời tuyên xưng ấy, ông đã trở thành người cản trở Đức Giêsu đi con đường cứu độ bằng thập giá của Người, muốn hướng Người theo con đường khác, như thái độ của Satan vậy! Ông vẫn nghĩ theo tư tưởng của con đường về những vinh quang trần thế, chưa thể hiểu được tư tưởng của Thiên Chúa (x. Mc 8,33).
Như vậy, được gọi là có “niềm tin lờ mờ” khi những người được gọi tên là kitô hữu, nhưng chưa suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa, mà vẫn suy nghĩ theo tư tưởng của loài người.
Thánh Phaolô nói rằng: “Chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô” (1Cr 2,16). Mạch văn của câu này là khi thánh nhân nói về sự khôn ngoan của thập giá; và ngài nói rằng những người sống theo tính tự nhiên, đi tìm sự khôn ngoan của loài người thì không có được Thánh Thần của Chúa Kitô. Là kitô hữu, là người tu hành lâu năm, là người có chức vụ lớn lao trong Giáo Hội, ngay cả những người mang lấy trách nhiệm huấn luyện trong Giáo Hội nữa, nhưng nếu vẫn tính toán hơn thiệt theo kiểu người đời, vẫn đi tìm vinh quang, sự dễ dãi của thói đời... thì vẫn là những người có niềm tin hời hợt, có niềm tin lù mù!
Chính hình ảnh thập giá in đậm trong cuộc đời mới là dấu chứng của một đức tin mạnh mẽ, mới là dấu chứng của những môn đệ đích thực của Chúa Kitô bước theo sau Người.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn