Niềm hy vọng về thế giới hòa bình và đại đồng có phải là ảo tưởng ? Thứ Hai Tuần I - Mùa Vọng

Niềm hy vọng về thế giới hòa bình và đại đồng có phải là ảo tưởng ? Thứ Hai Tuần I - Mùa Vọng

Niềm hy vọng về thế giới hòa bình và đại đồng có phải là ảo tưởng ? Thứ Hai Tuần I - Mùa Vọng

Niềm hy vọng về thế giới hòa bình và đại đồng

có phải là ảo tưởng ?

Is 2,1-5; Mt 8,5-11

Thứ Hai Tuần I - Mùa Vọng

02/12/2024

 

“Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2,4)

Bài ca này của tiên tri Isaia đã trở thành kinh điển, là một hình ảnh tuyệt đẹp. Nhưng phải chăng bài ca này, hình ảnh này chỉ dừng lại ở một thứ “văn học” trên sách vở, chứ không thể có được trong thực tế?! Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần gióng lên lời cảnh báo rằng chiến tranh thế giới đã bắt đầu từng phần ở đây, ở kia. Và mới đây, một số giới chức chính trị cũng nói rằng chiến tranh thế giới thứ ba đã bắt đầu! Sau khi tiên tri Isaia tiên báo lời trên ít lâu tại Giêrusalem (nước Giuđa) thì xảy ra cuộc xâm lược của liên minh Israel và Aram tấn công xuống Giuđa! Lời tiên tri kia vẫn chỉ là ước mơ!

Thế giới hòa bình và đại đồng giữa các nước mà ông Isaia loan báo được thể hiện qua việc mọi dân nước đều hướng về Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng xem ra ngày này người ta ngày càng muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống! Người ta có thể hợp tác với nhau nhưng chỉ vì lợi ích của mình. Người ta có thể chấp nhận tiêu chuẩn xanh của môi trường chỉ nhằm thu hút đầu tư. Mà khi chỉ vì lợi ích thì cũng sinh ra xung đột do lợi ích. Và như vậy, mầm mống chiến tranh vẫn cứ “thập thò ngoài cửa”!

Lòng yêu mến và tôn trọng lẫn nhau được diễn tả trong câu chuyện viên đại đội trưởng xin Đức Giêsu chữa cho người đầy tớ. Đó cũng là điều cần có để có thể có được nền hòa bình và sự chan hòa cho thế giới. Lòng yêu mến và tôn trọng lẫn nhau cần được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày nơi từng người, từng gia đình, từng cộng đoàn. Đó là nền tảng để ước vọng kia không phải là ảo vọng, nhưng trở thành hiện thực.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn