Bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa (Is 52,13-53,12) mô tả người này bị bạc đãi đến độ không còn hình tượng người ta nữa (x. 52,14). Tuy nhiên, bên cạnh đó, bài ca lại cho thấy một điều khá thú vị là ngài lại có người nối dõi và dòng dõi này sẽ trường tồn (x. 53,10). Niềm tin kitô giáo nhìn thấy điều này nơi Đức Giêsu Kitô.
Với cái nhìn của người đời, kẻ khốn cùng mà có con cháu thì họ chỉ sinh ra một dòng dõi khốn khổ, nghèo hèn! Thế nhưng, trong cách nhìn của Thiên Chúa và với con đường của Ngài, thì từ Người Tôi Tớ của Đức Chúa này lại nảy sinh ra sự sống và hạnh phúc. Bằng cách nào vậy? Tiên tri Isaia cho thấy người ấy đã mang lấy tội lỗi của người khác, và do đó, người này đã mang lại sự sống cho người khác. Chính người đón nhận đau khổ vì lòng nhân ái lại sinh ra sự sống sung mãn. Thư Hipri diễn tả vị Thượng Tế tự hiến trở thành người biết cảm thông với đau khổ của người khác khiến họ có thể cậy dựa vào lòng thương xót của Ngài. Ngược lại, bài Tin Mừng cho thấy các tông đồ tìm cách giành giựt vinh quang và quyền lực ích kỷ nên giữa họ sinh ra cãi trọ, tranh giành!
Những người đau khổ “hiếm muộn”, “son sẻ” khi ở trong thái độ bất đắc dĩ và tìm cách chạy trốn khỏi đó. Còn người sẵn sàng và tình nguyện trong những gian nan, vất vả và đau khổ vì lòng yêu mến thì lại “sinh năm đẻ bảy”. Những người này mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác, bởi vì khuôn mặt đẫm mồ hôi của họ vẫn luôn có nụ cười bình an. Và dòng dõi của những người này sẽ sinh sôi nảy nở và tồn tại mãi, bởi vì đó là dòng dõi sinh ra từ Chúa Kitô đau khổ và phục sinh.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn