Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì tỏ mình cho những người bé mọn chứ không cho những người thông thái (x. Mt 11,25-26). Đây là điều ngược lại với mong ước của con người, bởi vì người ta vẫn muốn Thiên Chúa của họ, thần linh của họ lớn lao và thể hiện trong những việc kỳ diệu, lớn lao. Đây là một bước đi mới của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên Chúa hiện diện trước mắt người ta như là con bác thợ mộc, như là con của bà hàng xóm, như người bạn của những ai bị loại trừ... Nhưng cũng chính vì thế mà người ta không muốn nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Messia mà họ chờ đợi!
Như vậy, chỉ có người khiêm tốn, bé nhỏ mới có thể đón nhận được vị Thiên Chúa đơn sơ, giản dị! Muốn Thiên Chúa của mình vĩ đại có thể do từ ý muốn mình cũng lớn lao nhờ Đấng mà mình tôn thờ: mình hơn người khác, đạo mình hơn đạo của người khác...!
Cách thức này của Thiên Chúa là một thách thức đối với đức tin của tín hữu, bởi vì khuynh hướng của người ta vẫn thường hướng về điều lớn và người lớn. Cùng một nội dung, nhưng nếu những lời ấy thốt ra từ miệng một người có chức quyền thì được trầm trồ khen hay, còn từ một người bé nhỏ, nghèo khó, giản dị thì không được quan tâm, bị chê bai và có khi còn bị phản đối nữa!
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại chọn cách thức giản dị này? Thưa bởi vì đây là cách thức rất hiện sinh và là thái độ của người trưởng thành. Đời thường là những chuyện giản dị hàng ngày, nhưng nơi đó lại có nhiều sứ điệp của Chúa lắm mà nhưng người ta không nhận ra, họ chỉ trông chờ những sự kiện hiếm hoi. Vì thế, người ta trở nên hời hợt với cuộc sống và cũng trở thành những người hay phản kháng nhau, chê bai nhau. Và điều này sinh ra biết bao chuyện bất ổn! Người trưởng thành, người sâu sắc là người biết suy tư từ đời thường, biết lắng nghe từ những người thường. Nếu biết đón nhận những điều này, những người này, thì người ta sẽ thu lượm được biết bao nhiêu là thành quả trong cuộc đời và cuộc đời của họ sẽ hòa điệu với hoàn cảnh sống, với những người sống quanh mình. Đó là người bình an, hạnh phúc và sinh nhiều hoa trái.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn