Tác giả Marcô kể liên tiếp những cuộc tranh luận giữa những người lãnh đạo Do Thái với Chúa Giêsu xoay quanh ngày Sabát: hôm qua là chuyện bứt bông lúa ngày Sabát, hôm nay là chuyện chữa người bại tay cũng vào ngày Sabát. Với câu chuyện hôm qua, Chúa Giêsu cho thấy Người làm chủ thời gian, làm chủ ngày Sabát, và hơn nữa, ngày ấy phải vì loài người; còn hôm nay Người đi xa hơn, là trong ngày ấy, không chỉ được làm việc này hay việc kia, nhưng là được quyền cứu sống con người, lại thêm nữa, được làm điều lành:
“Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4).
Những xung đột giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái về ngày Sabát đều chung quy vì một nguyên do là Chúa Giêsu cứu giúp người đau khổ. Như vậy, Chúa Giêsu cho thấy ý nghĩa của ngày ấy được đặt nơi lòng thương xót, nơi sự nhạy bén trước đau khổ của tha nhân. Mà đó thực sự là ý nghĩa sâu xa của ngày ấy, bởi vì vào ngày ấy, mọi người, người nô lệ đều được nghỉ ngơi, và cả trâu bò cũng được nghỉ. Năm Sabát thì đất đai cũng được nghỉ và các món nợ, các tài sản cầm cố được trả lại. Luật Sabát thực sự là một luật rất nhân văn, đầy tình người và cả một cái nhìn đi trước thời đại về việc bảo vệ đất đai! Thế mà, với thời gian, người ta đã làm cho luật Sabát trở nên hà khắc với con người như thế!
Sự khắc nghiệt ấy có nguồn gốc ở nơi cái tôi. Vì muốn khẳng định sự hiểu biết của mình, muốn chứng tỏ quyền bính của mình, muốn chứng tỏ thành tích đạo đức của mình, và... không nhận ra, không biết chế ngự sự hiểm ác của mình, người ta đã dùng điều thánh thiêng và nhân văn ấy thành phương thế để chà đạp người khác!!! Thật tệ hại là nhiều khi người ta dùng tôn giáo, lấy Danh Thiên Chúa như cái cớ để thể hiện cái tôi của mình, thể hiện sự hiểm ác của mình!!!
Ước gì vào mỗi ngày của Chúa, vào Chúa Nhật, chúng ta làm cho lòng mình thêm nhạy cảm với tha nhân, thì Chúa Nhật đúng là “ngày vàng”, ngày của Chúa, bởi vì ngày ấy làm cho người ta nên giống Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn