Bài tường thuật ngắn gọn ngay phần đầu của Tin Mừng Marcô về một ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu cho thấy Người đã mang lấy gánh nặng bệnh tật của mọi người trên bản thân mình. Sau lời rao giảng đầu tiên khai mạc Nước Trời: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15) cùng với việc chọn lựa bốn môn đệ đầu tiên, là tường thuật về việc chữa lành. Trừ quỷ, chữa lành cho bà mẹ vợ của ông Phêrô và chữa lành cho vô số người bệnh tật từ khắp nơi trong thành phố Capharnaum kéo đến. Sau đó còn có hàng loạt những việc chữa lành khác nữa! Chúa Giêsu được mô tả ở đây như thể hiện hình ảnh Người Tôi Trung của Chúa mang lấy bệnh tật của dân.
“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.” (Is 53,4)
Thư Hipri nói đến “độ sâu” của việc mang lấy những yếu đuối của con người nơi Chúa Kitô bằng cách Ngài mang lấy cùng một huyết nhục với chúng ta (bài đọc I).
Nhưng không chỉ có thế. Khi mang lấy huyết nhục của con người, Chúa Giêsu Kitô còn giải thoát con người khỏi sự sợ hãi trước cái chết và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi ma quỷ nữa!
Cưu mang, sợ hãi và tội lỗi. Những điều này liên hệ đến nhau. Khi cảm thấy không được cưu mang, người ta lo sợ; khi cảm thấy bị loại trừ, người ta dấn sâu vào tội lỗi. Cảm nhận mình được cưu mang, bất chấp những giới hạn của mình, người ta cảm thấy bình an và vui tươi dấn thân trong một đời sống tốt lành.
Tạ ơn Chúa vì chúng ta có một vị Thiên Chúa luôn cưu mang chúng ta, bất chấp chúng ta có trở đi trở lại trong tội lỗi. Nơi Ngài, chúng ta luôn có dịp để bắt đầu và lại bắt đầu! Xin cho tâm tình tạ ơn ấy cũng đưa chúng ta đến thái độ cưu mang anh chị em chung quanh với những giới hạn của họ.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn