Lời chết và lời sống động - Thứ Hai Tuần V - Mùa Phục Sinh

Lời chết và lời sống động - Thứ Hai Tuần V - Mùa Phục Sinh

Lời chết và lời sống động - Thứ Hai Tuần V - Mùa Phục Sinh

Lời chết và lời sống động

Cv 14,5-18; Ga 14,21-26

Thứ Hai Tuần V - Mùa Phục Sinh, 19/05/2025

Có những lời chết và gây ra cái chết, nhưng cũng có những lời sống động và mang lại sự sống. Những lời Chúa phán cho dân Do Thái qua lời ông Môsê mà thập giới là một minh hoạ tiêu biểu, là những lời cho cuộc sống của dân và mang lại cho dân này sự sống. Thế nhưng, với dòng thời gian, họ ghi chép lại những lời ấy, làm cho chúng trở thành luật lệ khô cứng, cắt nghĩa tỉ mỉ theo cách suy nghĩ của con người, trở thành truyền thống cha ông bất di bất dịch, và người ta mang những luật ấy ra để truy sát người khác: phê phán, kết án và loại trừ nhau. Những lời mang lại sự sống bị biến thành lời chết và gây ra chết chóc.

Ngược lại, có những lời sống động và mang lại sự sống cho con người. Để những lời ấy còn hiện diện như là lời sống động, làm cho sống, đầy linh hoạt và luôn mở ra cho những chân trời mới, thì lời ấy phải có Thánh Thần: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,25-26). Thánh Thần là Thần của sự sống, luôn sống động trong dòng lịch sử, làm cho tín hữu hiểu được lời Đức Giêsu đã nói cho thời đại mình, cho bối cảnh đặc thù của mình. Thánh Thần làm cho lời Đức Giêsu luôn sống động và làm cho người ta được sống. Khi biết đọc lời Đức Giêsu dưới sự soi sáng của Thánh Thần, Giáo Hội và tín hữu luôn nhận ra những soi sáng mới, những thách thức mới đòi tín hữu thay đổi chính mình và dấn thân đi tới trước.

Với cách nhìn ấy, tín hữu có thể hiểu ý tưởng của công đồng Vaticanô II sau đây: “Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học, là tiếp nhận sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng lời Chúa, để chân lý mặc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn.” (Gaudium et Spes, 44).

Mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn đức tin cần nhìn lại xem những quy định, những truyền thống của mình có phải là gánh nặng, là điều gò bó làm mất sinh khí và mất sự sáng tạo cho đời sống và cho việc thi hành sứ vụ của mình hay không? Và phải làm sao, cần hiểu thế nào để lời của Chúa thực sự làm sinh động và làm cho được sống?

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn