Câu chuyện về tháp Babel được gợi hứng từ những cái tháp gọi tên là ziggurat bên Babilon. Những cái tháp này diễn tâm tình tôn giáo đáng quý, bởi vì dân địa phương thấy cần đến thần thánh trợ giúp, nhưng trời lại xa đất quá, nên họ làm những ngôi nhà nhiều tầng lớn nhỏ khác nhau, như chồng lên nhau, cao vút để tiếng kêu cầu của con người có thể lên tới thần linh và thần linh cũng có thể qua những cái tháp ấy mà xuống trợ giúp con người! Nhưng khi dân Do Thái bị lưu đày bên đó, thấy những công trình vĩ đại này của con người, họ lại nghĩ về sự vĩ đại của con người. Khi đưa vào sách Sách Thế, những người viết sách đặt vào mạch văn sau trận đại hồng thuỷ, con người bị tiêu diệt, nên con người muốn tìm cách tránh bị huỷ diệt bởi đại lụt một lần nữa, nên xây những tháp cao, và như thế, đó cũng là một khẳng định về sức mạnh của con người. Con người liên kết lại để tạo nên sức mạnh và để chống trời!
“Họ nói: ‘Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.’ ” (St 11,4).
Nhưng với lòng ngạo mạn, chống lại Thiên Chúa, khẳng định chính mình, thì người ta lại chống lại nhau, chia rẽ nhau và phân tán đi khắp nơi! Đó là ý nghĩa tác giả muốn gán cho hiện tượng khác biệt về ngôn ngữ giữa các dân tộc trên thế giới.
Chúa Giêsu dạy chúng ta một con đường khác: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36). Từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình và đi theo Chúa Giêsu thì được sự sống đích thực và đời đời. Thấy có vẻ nghịch lý lắm, nhưng kinh nghiệm cuộc đời khiến chúng ta có thể xác nhận sự đúng đắn của những điều ấy. Con người không tìm thấy chính mình khi tự đề cao mình và gạt bỏ người khác, gạt bỏ Thiên Chúa, nhưng ngược lại.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn