Đề tài chính của thư thứ nhất Gioan xuất phát từ tình hình của các giáo đoàn vào cuối thế kỷ I, đó là sự phát triển của các lạc thuyết về mầu nhiệm Nhập Thể. Trong nền văn hoá Hy Lạp đương thời (dù lúc ấy chế độ chính trị là đế quốc Roma), người ta khó có thể tin rằng một Thiên Chúa thần thiêng lại có thể mang lấy thân xác con người, một thứ thân xác hèn hạ, theo như tư tưởng Hy Lạp. Tác giả gọi những người chống lại niềm tin Ngôi Lời Nhập Thể là “phản Kitô” (x. 1Ga 2,18). Niềm tin vào Ngôi Lời Nhập Thể cũng là niềm tin được tác giả trình bày trong lời dẫn nhập của Tin Mừng Gioan (1,1-18).
Nói về điều có vẻ cao siêu ấy nhưng ông Gioan lại nói rất cụ thể, sống động, bởi vì:
“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18).
Ông Gioan nói đến việc tiếp đón Thiên Chúa làm người: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1,11) và ông cũng nói đến việc tiếp đón người khác thể hiện qua lòng yêu thương. Làm như thế là đã đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa:
“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.” (1Ga 4,7)
Thiên Chúa đến trong cuộc đời ta qua những thực tại nhân sinh. Đón tiếp Thiên Chúa trong cuộc đời có nghĩa là tìm xem đâu là thánh ý và làm theo (x. 1Ga 2,17). Đón tiếp Thiên Chúa còn được thể hiện qua thái độ tiếp đón tha nhân, khi biết sống đức ái dành cho người chung quanh. Đó là sống mầu nhiệm Nhập Thể trong cuộc đời mỗi người hôm nay.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn