Ông Gioan Tẩy Giả hay còn được gọi là Gioan Tiền Hô là người đi trước, người dọn đường cho Đức Giêsu Kitô. Chỉ có Tin Mừng Luca nói về việc sinh hạ của cậu bé Gioan này và cách trình bày song đối cho thấy việc sinh hạ này (x. Lc 1,5-25) dẫn đến việc sinh hạ của Đức Giêsu sau đó (x. Lc 1,26-38), Sau đó, cái chết của ông Gioan cũng là hình ảnh báo trước về cái chết của Đức Giêsu. Tên Gioan có nghĩa là Thiên Chúa tỏ ra hài lòng:
“Sứ thần bảo ông: ‘Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.” (Lc 1,13-14).
Thiên Chúa tỏ ra hài lòng về Gioan, nhưng đi xa hơn là qua Gioan, Thiên Chúa cho thấy lòng yêu mến của Ngài với loài người qua thực hiện lời hứa cứu độ, Ngài đang dẫn đến Đấng Cứu Độ ngay bây giờ, mà Gioan sẽ là người chuẩn bị lòng dân cho Đấng ấy.
Vấn đề được đặt ra là: nếu ý nghĩa sự hiện của một đời người chỉ là hướng về một ai đó, thì liệu người ta có đánh mất bản thân không? Tính chất vị tha của Kitô Giáo hướng về lợi ích cho người khác, có làm mất đi giá trị của bản thân mà người ta cũng cần phải trân trọng và cần làm cho lớn lên không? Đây là vấn đề khá mấu chốt, bởi vì, nếu nhìn không đúng, người ta sẽ phá huỷ chính mình và người khác; còn nếu nhìn đúng, thì đó chính là nguồn của sự phát triển thật phong phú nơi bản thân, cho mọi người và cho thế giới. Nhìn không đúng nên có những người tưởng rằng sẽ đưa cuộc đời mình lên tới đỉnh cao khi chiếm hữu, khi tàn sát...! Khi nhìn đúng thì chúng ta có những thánh nhân mà mọi người yêu mến.
Thực ra, bản chất sâu xa của con người chính là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên trong sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, hay nói cách khác, họ có mối liên hệ chặt chẽ với thế giới thần linh (x. St 1,26-27); đồng thời họ cũng ở trong mối liên hệ chặt chẽ với người khác (x. St 2,21-23). Bởi thế, khi “vùng vằng” với những mối tương giao này, người ta làm cho cuộc đời mình bất ổn. Khi thực hiện cho bằng được điều mình muốn bất chấp ý định của Chúa và bất chấp người khác, người ta lại làm cho cuộc đời mình bị đổ vỡ. Cứ ngẫm xem cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra điều đó. Không phải là chỉ có bản thân mình, nhưng là cùng với người khác và “đi trước mặt Chúa”, như cách nói của Thánh Kinh về những người sống đẹp lòng Chúa.
Ông Gioan cảm thấy thoả mãn về cuộc đời và sứ vụ của mình khi nghe danh tiếng của Chúa Giêsu, và ông nói: bạn hữu thì vui mừng khi tân lang lên tiếng (x. Ga 3,29).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn