Bà Maria Mađalêna (Mácđala) được Giáo Hội Đông Phương gọi là “tông đồ của các tông đồ” bởi vì bà là người báo tin Chúa đã phục sinh cho các tông đồ. Nhưng vai trò tông đồ của bà không dừng lại là người thông tin, mà là người loan báo một tin vui, là người chia sẻ một tin mừng. Và đó mới thực sự là người tông đồ, bằng không chỉ là phát thanh viên thôi.
Bài đọc 1 trích sách Diễm Ca như muốn nói về bà Mađalêna như người phụ nữ đi tìm người mình yêu mến. Mà quả thật là như thế. Là một phụ nữ tội lỗi bị đe dọa ném đá, bà được Đức Giêsu cứu thoát, rồi chính Ngài cũng không kết án bà, nhưng khích lệ bà bắt đầu một cuộc đời mới. Ơn cứu sống và sự khích lệ ấy làm cho bà có một kinh nghiệm sâu sắc về Đức Giêsu và đầy lòng yêu mến Ngài. Bà không sợ khi đứng dưới chân thập giá của một tử tội, lo việc an táng Ngài và chạy tới chạy lui tìm kiếm xác Ngài mà bà cho là bị lấy mất. Lòng yêu mến khiến bà làm tất cả những điều ấy. Cho nên, khi chính Đức Giêsu hiện ra cho thấy Ngài đã phục sinh, thì niềm vui của bà vô cùng lớn. Bà đã đi loan báo tin mừng lớn lao đó!
Bên cạnh đó, theo cách trình bày của Tin Mừng Marcô, bà Mađalêna là một trong số các bà ra mộ và được Đấng phục sinh hiện ra, và họ “hết hồn hết vía”, ngỡ ngàng trước sự kiện phục sinh này, khiến họ không nói nên lời (x. Mc 16,8). Họ đứng trước một sự kiện thần linh.
Những kinh nghiệm về lòng yêu mến và kính sợ ấy, khiến bà Mađalêna trở thành người tông đồ thực sự, có thể loan báo về Đấng thần thiêng nhưng cũng là Đấng lòng bà yêu mến.
Không có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì không thể nói đến loan báo Tin Mừng. Kitô giáo không phải là một thứ giáo thuyết, bao gồm một số luật lệ, nhưng là niềm tin vào một Đấng và Đấng chạm đến con người, và là những con người cụ thể. Tính chất cá vị bên cạnh tính chất cộng đồng. Cần có kinh nghiệm sống Lời Chúa với niềm hạnh phúc và với nước mắt nữa, lúc đó người ta mới có kinh nghiệm về Thiên Chúa, và lúc ấy, chính đời sống của họ, con người của họ trở thành lời loan báo Tin Mừng.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn