Sau khi được chữa khỏi bệnh phong hủi, tướng Naaman xin một xe đất đầy mang về quê mình để phụng thờ Đức Chúa trên đất ấy, vì ông nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.” (2V 5,15a). Nhưng có lẽ điều sâu xa hơn mà con người thời ông không nhận biết, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa không dừng lại ở đất, nhưng còn ở con người. Trước đó, khi người nhà tiên tri Êlisêô chuyển lời bảo ông xuống tắm dưới sông Giođan để được sạch bệnh phong, ông đã phản kháng vì tự phụ rằng sông ở nước ông sạch hơn nhiều! Nhưng vấn đề không phải là nước mà là người: người của Thiên Chúa nói lời Thiên Chúa, và làm theo thì được chữa lành.
Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng lại rơi vào tư duy tương tự về đất khi cho rằng ở Nadarét không thể có tiên tri. Và người ta được dẫn đi xa hơn nữa, vượt qua khỏi giới hạn của quốc tịch, của chủng tộc, của đồng hương, Không còn là người Do Thái hay người Siđon, người Syria, hay người Nadarét, mà là bất cứ ai cũng có thể nói lời của Thiên Chúa, nên người ta cần biết lắng nghe và để tâm suy nghĩ.
Đây là vấn đề trọng yếu đối với Giáo Hội hôm nay. Thánh Thần được ban cho mọi người tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô. Ông Phêrô nói: “Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu.” (Cv 11,15). Thái độ trân trọng người khác để biết lắng nghe, giúp cho tín hữu nghe được lời của Thiên Chúa, để được chữa lành và có thể đi theo hướng dẫn của Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn