Khởi đầu cho thời quân chủ của Israel là một vị vua được mô tả đầy tích cực. Có lẽ bản văn này chịu ảnh hưởng của khuynh hướng ủng hộ chế độ quân chủ.
“Ông Kít là một người có thế giá. Ông có một người con trai tên là Saun, một người trẻ và đẹp trai; trong số con cái Israel, không có người nào đẹp trai hơn ông. Ông cao hơn toàn dân từ vai trở lên.” (1Sm 9,1-2)
Nhưng Saolê (Saun) đã kiêu ngạo, muốn làm theo ý mình hơn là ý Chúa, nên đã bị loại bỏ! Trong câu chuyện tuyển chọn người thay thế, Chúa nói với ông Samuel: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn” (1Sm 16,7). Cậu Đavít được mô tả là “có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” (1Sm 16,12). Đó không phải là những yếu tố cần thiết cho một vị vua! Nhưng có lẽ điều ấy muốn nói đến tình trạng “vừa mắt Chúa”, làm Chúa hài lòng, chứ không phải là những thứ theo đánh giá của con người.
Thiên Chúa chọn những người xem ra không được người đời trọng vọng, đó là những người nghèo, bé nhỏ, và có khi tội lỗi nữa! Khi chọn ông Lêvi người thu thuế, khi ngồi ăn uống với những đồng bạn thu thuế của ông này, người ta than trách Đức Giêsu, nhưng Ngài đáp: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17).
Phải chăng Đức Giêsu là con người cách mạng, nên chọn những người như thế như một thái độ phản kháng?! Phải chăng Đức Giêsu là con người “trái tính”?! Tất cả đều không đúng! Chỉ vì duy nhất điều này: khi người ta tự phụ thì sinh ra biết bao nhiêu chuyện làm phá đổ; còn khi người ta khiêm tốn, nhận ra con người giới hạn của mình, thì họ để cho Chúa hướng dẫn và làm việc nơi mình, người ta mở ra với tha nhân và cùng làm việc với mọi người. Đó chính là nguồn gốc của sự thành công đích thực.
LP.Giuse Nguyễn Trọng Sơn