Bản văn danh tiếng của Isaia về hoà bình của thời cánh chung được mọi người ca tụng! Mỗi người chúng ta khi đọc bản văn ấy cũng cảm thấy trong lòng một niềm bình an và một niềm ao ước cho thế giới. Lúc ấy, thú dữ sẽ ăn cỏ và sống chung hoà bình với những con thú hiền lành. Lúc ấy trẻ thơ sẽ chơi đùa cùng những thú dữ nữa! Nhưng rồi, cảm giác khác lại đến với chúng ta: đó chỉ là giấc mộng, bởi vì thế giới chúng ta cứ ngày càng nhiều những cuộc chiến tranh. Không phải chỉ có bình diện quốc tế đến độ Đức Thánh Cha Phanxicô phải nói đó như là chiến tranh thế giới đang diễn ra từng phần trên mặt đất này! Chúng ta còn thấy bạo lực diễn ra khắp nơi trong một quốc gia có vẻ là không có chiến tranh, nhưng vẫn có đàn áp tự do của người khác, vẫn có những phe nhóm đấu đá nhau kịch liệt, vẫn có những cá nhân đầy hung hăng trong đời sống hàng ngày, vẫn có những chửi rủa nhau trên mạng xã hội! Phải chăng giấc mộng này sẽ không bao giờ thực hiện được, chỉ trừ khi mọi người đều bị huỷ diệt hết?! Nhưng hoà bình không đi cùng với sự chết!!!
Thế giới chỉ có hoà bình khi thế giới đó gồm những con người bé mọn! Phải chăng ý tưởng này quá tiêu cực?! Không phải đâu. “Giấc mộng” của Isaia nói thú dữ sẽ trở nên hiền hậu với những con thú hiền lành! Chúa Giêsu thì nói đến mạc khải của Chúa Cha cho những người bé mọn. Con người ta đấu đá nhau vì ai cũng cho mình là lớn cả! Lớn đi với dữ! Ai cũng muốn chứng tỏ mình, cũng muốn thống trị, muốn áp đặt người khác, muốn hưởng lợi ích hơn người khác… thì ắt có đấu tranh và chiến tranh thôi! Vậy thì, con đường hoà bình chỉ có khi người ta trở nên khiêm tốn, bé nhỏ. Cứ nhìn lại kinh nghiệm bản thân, ai cũng thấy khi nóng nảy, la hét, bạo lực… luôn đi liền với một tâm hồn tự cao, tự đại!
Hạ mình xuống, mọi chuyện sẽ được giải quyết, sẽ có bình an, có hoà bình, có sự sống! Đó là con đường mà chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã thực hiện. Mùa Vọng mời gọi chúng ta ra khỏi sự tự cao của mình để có thể gặp gỡ anh chị em và do đó cũng có thể gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình đến tận cùng!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn