Giáo Hội hoàn vũ mang chiều kích vũ trụ

Giáo Hội hoàn vũ mang chiều kích vũ trụ

Giáo Hội hoàn vũ mang chiều kích vũ trụ

Giáo Hội hoàn vũ mang chiều kích vũ trụ

Sau khi gia nhập đoàn con của Chúa được 5 năm. Nhìn ngắm lại cả chặng đường trước đây, con ngẫm nghĩ xem Chúa đã đến cùng con tự bao giờ. Những tháng năm thăng trầm của tuổi thiếu niên, trong gia đình và nhà trường, con đã vượt qua. Khi đó, Thiên Chúa ở đâu? Từ ngữ “Giáo Hội Hoàn Vũ” hay “Đạo Công Giáo” là đạo chung cho tất cả mọi người lẽ nào cũng chỉ là những khẩu hiệu mơ hồ? Nhiều người ở những vùng xa xôi, nơi vắng bóng nhà thờ, không có linh mục, tu sĩ hay cả những “chứng nhân” thì người ta luôn đặt câu hỏi: Giáo hội hoàn vũ của người Ki-tô hữu đang ở đâu? Lúc con người đang gặp khó khăn, Giáo hội ở đâu? Đâu đó trong các tu viện kín cổng cao tường, trong sự bình an của người tu sĩ, có bao giờ dấy lên trong lòng các ngài những con người chưa bao giờ được biết đến Chúa chăng?

Giáo hội cũng thừa nhận sự giới hạn của mình, do số người công giáo ở trong nước chỉ tầm 7%, chưa nói đến linh mục và tu sĩ. Làm sao có thể đến hết được các ngóc ngách mà tìm kiếm các con chiên lạc? Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào các giới hạn đó, người ta quên mất chúng ta có một Thiên Chúa vượt lên trên những giới hạn nữa. Thiên Chúa đến với con người trên khắp vũ trụ này bằng nhiều cách, chứ không chỉ duy nhất qua người ki-tô hữu. Tình yêu của Người đâu có chịu dừng lại ở đó.

Từ thuở nhỏ, con lớn lên trong một vùng quê nghèo nàn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của cha mẹ, anh chị em và bạn bè. Trên những cánh đồng lúa trĩu cành vào mùa gặt, biết bao cây lúa đã lớn lên và ngã xuống để cho gia đình chúng con và bao người được no cơm ấm áo. Những buổi chiều, trên cánh đồng trơ thân rạ, những đứa trẻ đua nhau thả diều, tiếng cười đùa ríu rít rộn vang. Vào những sớm mai, chim sẻ và chim sáo kêu làm rộn ràng lòng bao người quê chân chất. Chính Anh Mặt Trời là hình ảnh của Chúa cũng chiếu soi trên chúng con mỗi ngày, dù cho con có phải là người ki-tô hữu hay không. Lớn lên, ở cái tuổi đầy thơ mộng, một nhánh hoa cũng làm cho lòng người vui rộn sau những ngày tháng chăm sóc và chờ mong. Những thân cây cao tỏa bóng mát rợp cả con đường nắng gắt lúc ban trưa cũng mang hình ảnh Chúa. Như vậy, những anh em thụ tạo mà Chúa dựng nên trước con người luôn là những chứng nhân anh dũng ở tại những nơi mà các chứng nhân ki-tô hữu chưa thể đặt chân tới. Hơn thế nữa, con thấy rằng dù một nhánh cây, một cành hoa, hay anh Mặt Trời, anh Gió, chị Mây… (Trường ca các thụ tạo – Thánh Phanxico Assisi) có thể là những thụ tạo giúp mang sự bình an đến cho tất cả mọi người tốt hơn cả những ki-tô hữu, hay con người. Tình yêu Thiên Chúa đến với người công giáo và ngoài công giáo qua những thụ tạo trong vũ trụ này, những chứng nhân thầm lặng để chờ đợi con người chứng nhân đến để giúp mọi người và vạn vật nhận ra và ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa, cùng dâng cho Người vạn tiếng ca khen.

Như vậy, nếu nhìn lại sự giới hạn của Giáo hội, chúng ta có thể tạ ơn Chúa vì những giới hạn đó cũng là để mời gọi các anh em khác trong gia đình thụ tạo đóng góp vào công trình loan báo Tin Mừng. Tình yêu của Người không dừng lại trong các giới hạn của con người nhưng nhờ biết những giới hạn đó mà con người biết cộng tác với các loài trong vũ trụ. Bởi vì, tất cả chúng ta là anh chị em của nhau: con người – tạo vật – với Thiên Chúa là Cha. Nếu không để cho anh chị em mình cũng làm chứng về Chúa, làm sao chúng ta biết được rằng các thụ tạo cũng có thể phản chiếu hình ảnh Chúa tốt lành đến như vậy.

Vậy, phải chăng ý niệm “Giáo Hội hoàn vũ” không nên giới hạn vào những con người, nhưng bao gồm cả muôn loại. Cho nên, nếu công nhận sự đóng góp của các tạo vật khác, Giáo Hội Hoàn Vũ sẽ mang tính chất thực sự là hoàn vũ, là toàn thể vũ trụ.

Tác giả: Maria Tuyết Tơ