Dụ ngôn và tượng thần - Thứ Hai Tuần XVII - Mùa Thường Niên

Dụ ngôn và tượng thần - Thứ Hai Tuần XVII - Mùa Thường Niên

Dụ ngôn và tượng thần - Thứ Hai Tuần XVII - Mùa Thường Niên

Dụ ngôn và tượng thần

Xh 32,15-24.30-34; Mt 13,31-35

Thứ Hai Tuần XVII - Mùa Thường Niên, 28/07/2025

Khi giải thích về việc dân Do Thái trong sa mạc muốn đúc tượng bò vàng để thờ phượng, có người cho rằng họ chỉ muốn hình tượng hoá Đức Chúa thôi, chứ không phải là họ thờ phượng một vị thần khác, vì hình ảnh con bê được lấy làm biểu tượng của các vị thần rất phổ biến thời ấy và ở vùng ấy. Sau này, trong thời phân chia nam bắc, vua Israel cũng đúc hai con bê đặt ở Đan và Bết-en để dân trong nước này không về thờ phượng Đức Chúa ở Giêrusalem ở miền nam nữa  (x. 1V 12,28-30). Tuy nhiên, điều nhìn thấy bên dưới là trên đường về đất hứa, khi dân chúng thấy ông Môsê ở trên núi lâu quá không xuống, họ sợ hãi và đi tìm sự bảo vệ nơi tượng thần này. Có thể hiểu được thời ban đầu khi dân này tụ lại và cùng đi về đất hứa thì niềm tin, giáo lý của của họ về Đức Chúa còn mỏng lắm!

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng khuynh hướng nhân loại luôn mong muốn cái gì cụ thể, dễ nắm bắt. Cái gì là vật chất thì dễ thu hút hơn, ngay cả thần linh cũng được cụ thể hoá, được tượng thần hoá. Và đây chính là vấn đề cần suy nghĩ.

Phương pháp giảng dạy bằng dụ ngôn của Chúa Giêsu thật tuyệt vời để suy nghĩ về điều này. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn không chỉ vì lòng tin nông cạn hay yếu kém của dân chúng, nhưng thực sự tính chất dụ ngôn là điều cần thiết cho một niềm tin sâu sắc, bởi vì ai biết đọc được dụ ngôn trong cuộc đời, đó mới là người sâu sắc, bởi vì đời người không chỉ là những gì có thể thấy, có thể cầm nắm được, nhưng còn nhiều ý nghĩa phong phú ở phía dưới.

Nguy cơ hình tượng hoá thần linh đưa đến ý muốn Thiên Chúa ban cho mình những điều cụ thể, và chỉ những điều cụ thể theo như mình mong muốn và coi đó mới là bằng chứng về tình yêu Thiên Chúa! Khuynh hướng “cụ thể hoá” Thiên Chúa như vậy cũng làm cho người ta chạy theo hình thức hoành tráng bên ngoài, đánh mất đi niềm hy vọng nơi những nắm men chưa làm dậy lên toàn khối bột, nơi những hạt cải chưa trở thành cây lớn! Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết rằng luôn cần sống tính chất hạt cải bé nhỏ đồng thời với tính chất cây cải lớn trong hành trình cuộc đời, trong hành trình lịch sử của Giáo Hội. Trong tương tác với tha nhân, nếu thiếu kiên nhẫn và niềm hy vọng, đòi người khác phải tốt lành ngay và phải tốt như mình muốn, phải hoàn hảo, thì người ta sẽ chì chiết nhau và sinh ra gãy đổ!

Xa hơn nữa, kitô hữu cũng cần nhìn thấy tính chất dụ ngôn nơi những điều diễn ra trong dòng đời như là những dấu chỉ mời gọi suy nghĩ và dấn thân cho một điều gì đó còn lờ mờ ở phía trước, để trong tinh thần cầu nguyện, họ để cho Thánh Thần dẫn dắt và cùng đi với nhau. Khi ấy, đời sống kitô hữu và đời sống chung mới vượt qua những trục trặc không đáng có.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn