Hai đoạn Sách Thánh hôm nay đều nói về hai nội dung: Thiên Chúa mời dùng bữa và chữa lành. Mặc dù đoạn trích thuộc phần thứ nhất của sách Isaia (chương 1 đến hết chương 39), tức là phần trước thời lưu đày Babilon, nhưng tư tưởng của tác giả đã mở rộng ra cho các dân tộc ngoài dân Do Thái! Ông loan báo về một ngày mà Thiên Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc trên núi Sion. Có thể người đương thời không có được tư tưởng đại đồng như ông Isaia, họ sẽ nghĩ rằng mọi dân tộc sẽ quy tụ về Giêrusalem để dân Do Thái nắm quyền trên họ. Nhưng câu chuyện Chúa Giêsu làm cho bánh hoá nhiều để nuôi dân cho thấy mọi người đều là dân nghèo trước mặt Thiên Chúa. Mọi người cần nhận thức mình là người nghèo, cần đến Thiên Chúa, cần được Ngài dưỡng nuôi. Không dừng lại ở phương diện thể lý, nhưng cả tinh thần và tâm linh nữa.
Đoàn dân trở về bên Thiên Chúa là những người nghèo (anawim). Điều ấy cho thấy sự khốn khổ của dân: họ đau khổ với dòng nước mắt mà Chúa sẽ lau khô, nhục nhằn vì kiếp nô lệ sẽ được Thiên Chúa ủi an, và họ là nạn nhân bất lực trước cái chết sẽ được Ngài cứu sống. Tin Mừng cũng kể về những người mù, tàn tật, và nhiều thứ bệnh khác được Chúa Giêsu chữa lành.
Nếu không nhận thức được tình trạng khốn khổ của mình trong cuộc đời, con người sẽ không biết tìm kiếm niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Nhận thức về tình trạng của mình để biết buông mình cho sự chữa trị của Ngài. Không ít lần, con người không dám đối diện với sự khốn khổ của mình nên tìm cách che giấu, biện hộ… Sự bất ổn cứ thế phá hoại cuộc sống của họ và họ cũng trở thành người gây bất ổn cho người chung quanh! Chỉ khi nhận thức sự khốn khổ của bản thân và để cho Thiên Chúa chữa trị thì cuộc đời mới lóe lên niềm hy vọng. Niềm hy vọng của tôi ở nơi Thiên Chúa.
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.”
(Tv 62,6-7)
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn