Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, mặc dù phải nói về mình để thuyết phục họ tin vào Tin Mừng mà ông rao giảng, Phaolô vẫn ý thức một điều: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.” (2Cr 11,30). Ông không nói như một sáo ngữ đâu, bởi vì ông thực sự ý thức rằng Tin Mừng mà ông rao giảng không phải dựa trên sự hoàn hảo trong việc giữ luật, nhưng dựa trên Thánh Thần (x. 2Cr 3,6). Ông đã từng là người tự hào mình hoàn hảo trong việc giữ luật, nhưng điều đó lại làm ông trở thành “tội phạm” chống lại Đức Giêsu, chống lại các kitô hữu. Thế mà ông đã được tha thứ do bởi tình yêu nhưng không của Ngài. Vì thế, ông ý thức thực sự mình yếu đuối, mình là không trước mặt Chúa và ngay cả trước người khác nữa!
Điều mà ông Phaolô có thể nói về chính mình, đó là mối bận tâm hàng ngày về các Hội Thánh, về các tín hữu: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,29). Họ chính là mối bận tâm của ông và ông coi họ là quý giá.
Chúa Giêsu nói: kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đó, và đừng tích trữ cho mình những kho tàng hư nát, nhưng là kho tàng bất diệt (x. Mt 6,19-20). Vậy đâu là kho tàng không hư nát? Là kho tàng trên trời chăng? Đúng thế, nhưng phải hiểu kho tàng này như thế nào?
Kitô hữu dễ nghĩ rằng mình làm những việc sinh công đức là tích trữ kho tàng cho mình trên trời! Không ít lần, điều này mang ý nghĩa rất ích kỷ, coi Nước Trời là chỗ trả lại cho mình điều mình đã cho đi, đã cống hiến ở trần gian! Với cách nhìn của thánh Phaolô, chúng ta nhìn ra kho tàng của mình là chính anh chị em chung quanh mình, trong gia đình, trong cộng đoàn của mình. Hãy yêu mến, gắn bó, hạnh phúc khi sống cho những người chung quanh, vì họ chính là kho tàng của mình. Đôi khi có hiểu lầm, có đau khổ vì nhau, nhưng họ vẫn là người của mình, vẫn thuộc về mình, lòng mình vẫn ở đó. Từ chối nhau, khép lòng trước người khác để đóng lại nơi bản thân mình, đó là lúc chúng ta đánh mất kho tàng của chính mình!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn