"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 1: Căn bệnh của nguyên tổ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 1: Căn bệnh của nguyên tổ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 1: Căn bệnh của nguyên tổ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

Bài 1: Căn bệnh của nguyên tổ

Bệnh thực dụng không phải chỉ căn bệnh của giới trẻ ngày nay, cũng không phải chỉ là thái độ của một số người trong cơn cám dỗ của nền kinh tế thị trường. Đây còn là căn bệnh có tầm mức nhân loại và chi phối sâu xa đời sống đức Tin Kitô giáo. Thực dụng là giản lược cái huyền nhiệm vào những thành quả tức thời; thực dụng là tìm những cách thức dễ dãi, cụ thể, rõ ràng để thực hiện vận mạng cuộc đời mình; và sâu xa hơn, thực dụng là sử dụng phương pháp đối với sự vật để thay thế cho thái độ gặp gỡ chân chính giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.

Căn bệnh này có vẻ “nhẹ tội”, nhưng thật ra, theo tôi, nó là căn bệnh chính, là nguồn gốc của mọi căn bệnh khác; nó là một dự phóng căn bản nhằm từ chối tình yêu thương.

Căn bệnh của nguyên tổ

Thách đố này đã được diễn tả trong thái độ của nguyên tổ con người: Adong và Eva. Nguyên tổ được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa :

“Và Thiên Chúa phán: Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta”[1] [St 1,26; x. c. 27]

Khẳng định ấy không chỉ giới hạn trong một cơ năng riêng biệt nào đó của con người, như lý trí hay lòng yêu thương, nhưng bao hàm ý nghĩa rằng vận mạng của con người chỉ được thành toàn trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa. Đó là một hồng ân lớn lao của phận người. Tuy nhiên, vì mang thân xác bằng bụi đất [x. St 2,7], có trách nhiệm “canh tác và giữ vườn” [x. St 2,15; 1, 26b – 30], nên con người cần thực hiện vận mạng của mình qua thời gian, bằng những công việc hằng ngày của cuộc sống. Đó là cách sống đúng theo “qui chế hiện hữu” của con người. Hơn nữa, con người lại được Thiên Chúa mời gọi sống liên đới với nhau, người với người tìm thấy nơi nhau một sự “trợ giúp đương đối” [St 2, 20b-25]. Như thế, vận mạng của con người chính là, qua từng ngày từng năm, sử dụng thân xác và vũ trụ để thiết lập tình thân giữa con người với nhau; đồng thời qua cách sống ấy mà đạt tới cuộc sống thân tình với chính Chúa. Con người được mời gọi để thể hiện “hình ảnh Thiên Chúa”, qua trung gian thân xác và vũ trụ, bằng chính cuộc sống thân ái người với người.

Đáng lẽ ra nguyên tổ cần thực hiện vận mạng cao cả ấy bằng thái độ tuân phục thánh ý Ngài, bằng sự trung tín hằng ngày và qua một quá trình lịch sử lâu dài. Đáng lẽ ra con người được mời gọi thực hiện cuộc đời mình bằng tình thương, bằng mối liên hệ của tự do, tự hiến và cùng sống với những ngôi vị[2] khác trong hành trình lịch sử; thì Adam và Evà lại muốn chiếm đoạt ngay tức khắc vận mạng của mình bằng một phương thế thực dụng, mau chóng và không có tính nhân sinh: phương thức “ăn trái cấm”. Nỗi khát vọng Thiên Chúa được phú bẩm như một năng lực sống cho suốt hành trình đời người lại bị hoán đổi thành ý muốn được bằng Thiên Chúa; vận mạng cao cả của nhân loại được sống trong tình yêu lại bị biến chất thành tham vọng khẳng định mình bằng cách giành lấy quyền quyết định “biết lành biết dữ”, tự mình quyết định điều thiện ác cho bản thân mình; tình thân giữa con người với nhau đáng lẽ được trọn vẹn để thể hiện chính phẩm tính yêu thương của Thiên Chúa lại trở thành sự liên kết của mưu đồ ích lợi riêng…

Vấn đề chính trong tội nguyên tổ không phải là một hành vi xúc phạm đến uy danh Thiên Chúa, nhưng là hành vi phá hủy bản chất con người, con người từ chối nẻo đường sống tình yêu thương qua lịch sử từng ngày của phận người để đòi được mở mắt “nên như những Thiên Chúa” [xc. St 3,5]. Tội nguyên tổ không phải được suy diễn ra từ nguyên lý danh dự, nhưng nằm trong chính thực tại như một sự vong thân vì đã đánh mất bản chất của mình; tội ở đây phát xuất từ nguyên lý thực dụng mà nguyên tổ, hay chính mỗi con người, đã lựa chọn cho bản thân mình.

Dấu ấn tội lỗi ấy đã trở nên một vết hằn sâu xa trên hành trình làm người của nhân loại.


[1] Những trích dẫn sách Sáng Thế trong bài này lấy từ bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế.

[2] Theo định nghĩa của Boèce [480-525], được triết học Kinh viện sử dụng, ngôi vị là : bản thể cá thể thuộc bản tính có lý trí. Nói cách đơn giản, con chó, con mèo… chỉ là những cá thể; nhưng con người, thiên thần, Thiên Chúa [Thiên Chúa của Thánh Kinh] là những ngôi vị. Ngôi vị có lý trí suy tư [nhất là suy tư giá trị], có ý muốn và có tự do quyết định. Trong bài này dùng nhiều từ “tương quan ngôi vị”, được hiểu là mối tương quan giữa các ngôi vị, thuộc bình diện ngôi vị, có tự do, suy tư, ý muốn…