"ĐẠO" THIÊNG LIÊNG - Bài 3: Tìm lại ý nghĩa đức tin - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THIÊNG LIÊNG - Bài 3: Tìm lại ý nghĩa đức tin - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THIÊNG LIÊNG - Bài 3: Tìm lại ý nghĩa đức tin - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

Bài 3: Tìm lại ý nghĩa đức tin

1. Xương sống của lịch sử cứu độ chính là cuộc sống

Khởi đầu của kinh nghiệm Do Thái - Kitô giáo là cuộc sống, chính vì trăn trở với những đau khổ trong cuộc sống mà các thánh ký nhận ra được nguồn gốc của nó là tội; và cũng chính vì tha thiết với cuộc sống mà con người được kêu gọi mong chờ Đấng Cứu Tinh. Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, một cách chính yếu, cũng chẳng phải là nhằm giải thoát khỏi cuộc sống nhưng, ngược lại, chính là dẫn dắt toàn thể lịch sử vũ trụ và con người đến ngày hoàn tất chung cuộc.

Ơn cứu độ của Đức Giêsu không phải là cái chết lơ lưởng, chỉ có một giá trị pháp lý trước mặt Chúa Cha, nhưng chính là một cuộc đời hết lòng yêu thương, đón nhận con người nhất là những người bị bỏ rơi, một thái độ yêu thương cho đến cùng, cho dù chính vì sự liên đới yêu thương đó mà Ngài bị giết chết. Cái chết của Ngài gắn liền với cuộc đời, sứ vụ công khai và bộc lộ ý nghĩa trọn vẹn của sứ vụ ấy. Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng không phải chỉ là những nhân đức để đổi lối cuộc giải thoát khỏi cuộc đời, nhưng chính là hạt men, hại cải để biến trần gian thành Nước Trời. Cũng thế, việc Phục Sinh của Ngài không phải chỉ là để khẳng định vị thế Con Thiên Chúa mà là để tiếp tục thực hiện những điều Ngài đã làm trong cuộc đời công khai của Ngài[1].

Khi Đức Kitô tách rời bệnh tật ra khỏi tội lỗi cá nhân trực tiếp của người bệnh tật[2], thì không có nghĩa là tội lỗi không dính dáng gì tới những tai họa trong cuộc sống. Chính tội lỗi chung của nhân loại đang lây lan, tội từ chối chương trình của Thiên Chúa đã đưa con người vào tình cảnh bi đát hiện tại, những điều đó không dễ dàng phân tách rạch ròi trong từng trường hợp để qui gán tội cho một ai; và ở đây, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tới ơn cứu độ hơn là ngồi suy tính để kết án. Cũng thế, khi Chúa Giêsu khẳng định “thế thì của César trả về César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” [Mt 22,21], thì điều ấy không có nghĩa là Đức Giêsu thiết lập một thế giới riêng, một thế giới tôn giáo tách biệt khỏi cuộc sống, một thế giới thiêng liêng không dính tới những nhu cầu của cuộc sống thật. Nhưng đó là Chúa Giêsu khẳng định một cách thức giải quyết căn bản cho cuộc đời, cách thức đặc trưng của Do Thái Kitô giáo, cách thức tìm về nguồn cội sâu xa nhất của ơn cứu độ, “trả về cho Thiên Chúa”.

Cuối cùng, niềm hy vọng Cánh Chung cũng chính là mong chờ Thiên Chúa hoàn tất lịch sử nhân loại trong một thế giới đại đồng, “tứ hải giai huynh đệ”. Ta có thể nói rằng, hơn tất cả mọi tôn giáo và học thuyết khác, Do Thái Kitô giáo là đạo gắn liền với cuộc đời.

2. Tin Mừng làm cho người ta được sống dồi dào

Trong những cuộc tranh luận cuối cùng với người Do Thái, Chúa Giêsu kêu mời người Do Thái hãy tin vào những việc làm của Ngài nhân danh Chúa Cha, và công việc đó được minh chứng cụ thể bằng chính đời sống của đoàn chiên:

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời…” [Ga 10, 27-28]

Đức Giêsu, là Mục Tử nhân lành, chọn lấy mục tiêu của sứ vụ là làm cho đoàn chiên được sống sung mãn, trọn vẹn, dồi dào:

“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” [Ga 10, 10]

Và cũng chính vì sự sống dồi dào phong phú của đàn chiên mà Chúa hy sinh mạng sống mình:

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” [Ga 10, 10-11]

Ưu tư lớn trong tâm hồn của Chúa Giêsu là làm cho con người được sống không chứ phải là bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy hết sức rõ ràng cả cuộc đời Đức Giêsu là một cuộc đấu tranh cho con người, nhất là những người bé mọn. Chúa Giêsu luôn luôn đứng về phía con người, nhất là những người bé mọn, để chống lại những người Do Thái muốn nhân danh sự cao cả của Thiên Chúa để bóp nghẹt đời sống con người. Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát [xc. Ga 5,16], Chúa Giêsu tán đồng việc người đói có thể “ăn bánh trưng hiến”, và các môn đệ của Ngài có quyền lao động để ăn trong ngày Sabát [xc. Mt 12,1-8]; Chúa Giêsu đã dám tuyên bố một điều hết sức táo bạo, một tuyên ngôn “vô tiền khoáng hậu“ trong lịch sử nhân loại: “Ngày Sabát được làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabát” [Mc 2, 27].

Tin Mừng của Chúa Giêsu như thế chính là một tuyên ngôn nhân bản trọn vẹn nhất, nơi đây con người được là mình, được sống phẩm vị cao quí của mình, và được đáp ứng những nhu cầu thâm sâu nhất của phận người, chứ không phải một đời sống đạo dúm dó, sợ sệt; một nhân cách ấu trĩ, so đo tính toán; biểu lộ trong tinh thần nệ luật, lách luật, hoặc thu gom công phúc một cách máy móc cho đời sống mai sau. Chính trong ánh sáng Tin Mừng ấy, con người được lớn lên trong mọi chiều kích, nhân bản và tâm linh.

3. Giá trị thiêng liêng trong việc trần tục

Não trạng của người Hy Lạp vốn phân biệt tinh thần khác với vật chất và thiết lập một bậc thang giá trị theo tiêu chuẩn những gì càng ít dính vào vật chất càng cao quí. Ngược lại, Thánh Kinh cho chúng ta một quan niệm khác, theo đó, mọi vật Chúa làm nên đều tốt đẹp, và sự thiện hảo ấy vẫn luôn có trong mọi vật, bao lâu sự vật vẫn sống đúng theo bản chất “thuộc về Chúa" của chúng. Đó là một quan niệm lạc quan và trân trọng trần gian:

“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, và không ghê tởm một loài nào Chúa đã làm ra; vì giả như Chúa ghét loài nào, thì Chúa đã chẳng dựng nên” [Kn 11,25].

Như thế, trần gian tự nó là tốt đẹp, và trần gian ấy không cần phải bị mạt sát để làm nổt bật danh giá của Chúa, nhưng cần phải được đề cao để làm nổi bật tác động cứu độ của Ngài, đúng như lời thánh Irênê : Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.

Hơn nữa, trong “Dụ ngôn về sự trần tục hóa”, Mt 25, 31-46, chúng ta thấy Thiên Chúa phân loại chiên và dê không dựa theo việc nhận ra hay không nhận ra sự hiện diện của Chúa, nhưng theo tiêu chuẩn của những công việc trần thế. Rõ ràng Chúa Giêsu đặt tầm quan trọng của cuộc sống nơi sinh hoạt đời thường, đồng thời Ngài thánh hóa công việc đời thường ấy bằng cách cho nó một giá trị có tính quyết định đối với vận mang siêu nhiên của con người:

“Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” [Mt 25, 40].

Quả thật, tự căn bản của truyền thống Do Thái Kitô giáo, chúng ta đã thấy mầm mống của một cuộc cách mạng. Thay vì một thế giới đầy thần thánh của các tôn giáo cổ xưa, thế giới sáng tạo của Thánh Kinh đã tách biệt Thiên Chúa khỏi thế giới, quan niệm ấy đã góp một phần quan trọng vào tiến trình trần tục hóa của nhân loại[3]. Đồng thời, thay vì đặt vũ trụ trên con người, Thánh Kinh đã cho thấy Thiên Chúa trao vũ trụ đã được tước bỏ mọi tính tính thần thiêng ấy cho con người để con người “đặt tên” cho chúng. Con người không còn là một tiểu vũ trụ, phải noi theo qui luật của đại vũ trụ, nhưng con người được trao trách nhiệm đưa dẫn toàn thể vũ trụ này về cùng đích của chúng là Thiên Chúa. Trong bối cảnh chung ấy, ta hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trần thế và trách nhiệm của con người với thế giới ấy : con người có trách nhiệm nhân văn hóa thế giới bằng những giá trị nhân bản, và thiêng liêng hóa thế giới bằng chính niềm tin của mình.

Dĩ nhiên không được bám vào dụ ngôn này để loại trừ tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo và phượng tự. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng một đời sống tôn giáo mà không trổ sinh hoa trái trong một đời sống yêu thương cụ thể thì không thể là một đời sống của những người được cứu độ, như lời thánh Thomas: “Ân sủng không phá hủy nhưng kiện toàn tự nhiên” [St I, q.1, a.9, ad 2].

4. Thiên Chúa đứng về phe sự thiện

Qua đoạn Tin Mừng Mc 3, 1-5, Chúa Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn nhận định về hành vi luân lý, không phải dựa trên lối phân biệt thánh thiêng và trần tục, nhưng trên tiêu chuẩn thiện ác:

“Ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi” [Mc 3,1-5]

Khi lo lắng bảo vệ ngày Sabát, những người Do Thái muốn đặt lằn ranh giữa thánh thiêng và trần tục, giữa Thiên Chúa và cuộc sống đời thường. Cách phân chia đó làm cho cuộc sống trần gian đương nhiên phải cam chịu, những nỗ lực của con người phải dừng bước trước giới trước của thời gian thánh thiêng, của không gian thánh thiêng. Chúa Giêsu lại đặt lằn ranh phân chia theo một quan điểm khác, phân chia giữa thiện và ác, giữa cứu người hay giết người. Cách nhìn đó cho thấy Thiên Chúa đứng về phe sự thiện, Thiên Chúa ủng hộ những thiện hảo trong cuộc sống con người. Đức Giêsu không phân biệt Thiên Chúa một bên, trần gian một bên, theo kiểu người Hy Lạp; nhưng Ngài phân biệt Chúa cùng những sự thiện một bên, bên kia là satan và những sự dữ. Lối phân chia của Đức Giêsu thúc bách con người dấn thân trên nẻo đường sứ vụ, nẻo đường nhân hóa và thánh hóa trần gian.

Hơn nữa, chứng ta còn nhận ra sứ mạng của Chúa Giêsu là tìm cách giải thoát con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, khỏi những ràng buộc theo bậc thang giá trị luân lý của những người Do Thái, một thứ bậc thang giá trị quá đề cao sự thánh thiêng và đóng kín cửa Nước Trời trước những kẻ bé mọn.

Về điều này, Thánh Thomas cũng có một lập trường tuyệt diệu: “Tình yêu của Thiên Chúa chính là nguyên nhân phú ban và tác tạo nên sự thiện hảo trong các sự vật” [ST. I part., q. 20; a. 2, resp.]

Kết

Có một làng kia làm nghề may mũ. Những tay thợ lành nghề trong ngôi làng ấy vẫn luôn ganh đua nhau để trình bày những chiếc mũ tốt nhất, đẹp nhất, độc đáo nhất. Đó là một ngôi làng “đầy sức sống”. Tuy thế, những người thợ may mũ ấy lại không biết đội mũ và khi ra đường, họ vẫn cầm chiếc mũ đẹp của mình trong tay để khẳng định tay nghề của mình là độc đáo. Những người thợ ấy luôn luôn đau ốm vì nắng mưa …

Ta có thể nói rằng nhiều sinh hoạt đạo của Giáo Hội Việt Nam giống như làng nghề mũ ấy. Thay vì để đức Tin và những sinh họat phượng tự, sinh họat đạo đức, mang lại một sự che chở trên hành trình cuộc đời, các sinh hoạt ấy lại tự tìm lý do hiện hữu trong một thế giới nào khác; thay vì tìm thấy niềm vui và sự bình an của Chúa trên bước đường đời, nhiều Kitô hữu lại chỉ biết tô vẽ mãi một thứ “đạo thiêng liêng” để dùng trong một thế giới khác.


[1] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thật có lý khi thêm vào các mầu nhiện Kinh Mân Côi các biến cố trong cuộc đời sống khai của Chúa Giêsu, các mầu nhiệm sự Sáng.

[2] xc. Ga 9,3 : “Không phải anh ta, cũng phải phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

[3] Xc. Albert Dondeyne, Tục Hóa và Đức tin, Vũ Dư Khánh chuyển ý, Tuyển Tập Thần Học số 15 [tháng 12-1973], trang 75-86.