"ĐẠO" THIÊNG LIÊNG - Bài 2: Vài nhận định - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THIÊNG LIÊNG - Bài 2: Vài nhận định - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THIÊNG LIÊNG - Bài 2: Vài nhận định - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

Bài 2: Vài Nhận Định

1. Đời sống thiêng liêng Kitô giáo[1]

Nhưng suy tư cũng như cách thức thể hiện đời sống thiêng liêng[2] hay đời sống tâm linh Kitô giáo chịu sự tác động của hai nguồn mạch khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập nhau trong nhiều khía cạnh: truyền thống Hy Lạp và truyền thống Sê-mít.

Trong truyền thống triết học Platon, “tinh thần” có nghĩa là đối nghịch với vật chất. Tinh thần không những siêu việt hơn vật chất, nhưng tinh thần còn cần phải được giải thoát khỏi vật chất để có thể trở nên cao cả, siêu thoát và thể hiện nét thuần túy tinh thần. Thân xác được cấu tạo nên từ vật chất và sinh hoạt trong những điều kiện vật chất, nên chẳng những không dự phần chút nào vào lý tưởng cao cả của đời người, mà còn gây phương hại cho đời sống tinh thần đích thực. Đời sống tinh thần như thế được dành riêng cho những người có thể sống vượt trên những lo toan của đời sống vật chất và từ đó mới có thể hoàn toàn dấn thân cho những thế giới tinh thần, cho sinh hoạt của lý trí, cho thái độ chiêm niệm.

Quan điểm này đã ảnh hưởng rất sâu trong Giáo Hội và trở nên một linh đạo chính yếu cho đời sống thiêng liêng Kitô giáo. Vượt trên đời sống luân lý như một mức độ tối thiểu của đời sống đức Tin, những ai muốn đi sâu hơn vào đời sống thiêng liêng phải đi vào con đường tu đức[3], con đường siêu thoát, con đường của tránh xa những lo toan trần thế để sống sung mãn hơn đời sống nội tâm. Tuy nhiên, con đường tu đức như thế, những người sống giữa trần gian, những người giáo dân, nhưng người bận bịu với công việc gia đình, những người lãnh trách nhiệm trần thế… sẽ không thể vươn tới được.

Thánh Kinh, theo truyền thống Sê-mít, cho chúng ta thấy có một nguồn mạch khác hẳn về đời sống thiêng liêng. Người tín hữu được kêu gọi sống theo tinh thần của Chúa. Người sống theo tinh thần của Chúa [Thần Khí] sẽ sống dưới tác động của của Thiên Chúa, sống phù hợp với những điều Chúa muốn, họ thuộc về thế giới của Thiên Chúa. Tinh thần của Chúa đến với con người và làm cho con người suy nghĩ, hành động, ứng xử như Thiên Chúa. Ngược lại, người không sống theo tinh thần của Chúa nhưng theo tinh thần thế gian, tinh thần của riêng mình, sẽ suy tính và hành động theo sự độc lập, đóng kín của bản thân, theo những nguyên tắc khôn ngoan của trần thế.

Như thế, tinh thần của Chúa không đối lập với vật chất nhưng đối lập với “xác thịt”, tức những gì là thấp hèn của thế gian. Tinh thần của Chúa không đương nhiên phù hợp với tinh thần của con người và chống lại thân xác cũng như sinh hoạt vật chất của con người, nhưng Tinh thần của Chúa có khả năng thúc đẩy tinh thần con người cũng như sử dụng thân xác và những sự vật vật chất để thực hiện chương trình của Ngài. Ở đây không còn vấn đề đương nhiên khinh dễ thân xác và đương nhiên ca tụng cách tinh thần của con người; nhưng tất cả tinh thần và thân xác con người cần phải hoán cải, cần buông mình theo luồng gió của Thánh Thần. Do đó, đời sống thiêng liêng, theo nghĩa căn bản, không còn có nghĩa là xa lánh thế gian và những bận rộn của cơm áo, gạo tiền, nhưng là sẵn sàng với tiếng nói của Thiên Chúa.

Cách phân biệt của triết học theo đường hướng Platon lấy tiêu chuẩn là bản chất sự vật, là tinh thần hay vật chất; đức tính chính yếu của nẻo đường này là siêu thoát khỏi vật chất. Ngược lại, các phân biệt của truyền thống Do Thái – Kitô giáo lấy mối tương quan chân thật với Chúa là trung tâm để phân biệt những gì chân chính và những gì giả hình; đây là cặp đối lập giữa những gì thể hiện mối tương quan chân thành giữa Thiên Chúa với con người, so với thái độ chống đối Thiên Chúa hoặc những mối tương quan cứng đọng trong nghi thức, trong lề luật, trong khuôn mẫu hoàn thiện…. Do đó, đức tính chính yếu của đời sống tâm linh Kitô giáo là thái độ trung tín; hoặc diễn tả cách khác, đó là thái độ không ngừng sám hối, tỉnh thức, sẵn sàng, xin vâng trước lời mời gọi của Chúa.

2. Đặt vấn đề ở mức độ giá trị

Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé đầu tiên đã phải đối diện, hoặc đúng hơn phải đấu tranh với những thế lực khổng lồ, trước tiên là đế quốc Roma, nhưng sâu xa hơn đó chính là hệ thống triết học Hy La thời ấy. Trong cuộc đấu tranh này, Giáo Hội đã tiếp thu, thích ứng, biến đổi nhiều yếu tố của nền triết học “ngoại giáo”, đồng thời cũng tìm cách tự giải thích mình trong bầu không khí triết học ấy.

Cùng với niềm mong ước cánh chung siêu thoát trong Giáo Hội của những thế kỷ đầu bị bách hại, chính học thuyết Platon, nhất là tân-Platon, đã thâm nhập vào Giáo Hội và tạo nên bầu khí duy linh. Cho dù tư tưởng của Thánh Thomas đã tạo một nền tảng triết học và thần học theo học thuyết Aristote, vốn tôn trọng trần thế, nhưng tinh thần duy linh và siêu thoát ấy vẫn ảnh hưởng sâu xa trong nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực tu đức. Người ta phân biệt con người thiêng liêng [tu sĩ và giáo sĩ] với con người xác thịt [giáo dân]; nỗ lực chính của đời sống đạo là xa lánh ma quỉ, thế gian và xác thịt; thế giới này được nhìn như vũng lầy nước mắt, những nỗ lực xây dựng cuộc sống hiện tại không được trân trọng cho đủ…, tất cả những điều đó vẫn tồn tại cho đến Công Đồng Vatican II, và cho tới hiện nay, nơi đời sống đạo Kitô hữu Việt Nam. Những điều đó làm nên một thứ giá trị thiêng liêng, cao quí hơn và thường khi đối lập với những giá trị nhân sinh trong cuộc sống trần gian[4].

Không thể phủ nhận những nỗ lực và những thành công của Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, những nỗ lực ấy chưa đụng đến nhiều tầng sâu của nhân cách chân chính của con người : mức độ giá trị. Nhiều người tín hữu Kitô giáo Việt Nam là những người thành tâm thiện chí, nhưng đã không được giúp để thấy những giá trị Tin Mừng, nhưng giá trị có tầm mức Cánh Chung của sứ điệp Kitô giáo và đã sống đời sống luân lý Kitô giáo với “nhân đức chịu vậy”[5]. Cũng thế, ảnh hưởng của Công Đồng Vatican II tại Giáo Hội Việt Nam chưa được triển khai đến mức độ tạo nên những giá trị căn bản cho đời sống Đức Tin, nhưng mới dừng lại ở những bài học kiến thức và trong việc đổi mới hoạt động. Do đó, ngoài những bài học và những hoạt động mới, chúng ta lại thấy nhan nhản những hành vi, những thái cử, những bài giáo huấn … đầy tính cách tiền-công-đồng.

Có lẽ cần làm sáng lên khía cạnh “giá trị trần thế” mà Công Đồng Vatican II đã nêu lên, đặc biệt trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Lời khẳng định mở đầu của Hiến Chế có thể toát lược toàn bộ giá trị này :

“Vui Mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai sầu khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” [MV 1].

Sau một thời gian dài Giáo Hội chống lại trào lưu trần tục hóa và chống lại thế giới với những lời kết án, Công Đồng Vatican II muốn mở cánh cửa để cho căn phòng Giáo Hội thêm thoáng khí và để đón nhận, yêu thương, phục vụ con người.

Công đồng nhìn nhận tính độc lập hợp pháp của thực tại trần thế:

“Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, xử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng : đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hóa” [MV. 36 b], tuy vẫn không quên nhắc nhở rằng “quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” [MV 36c]. Hơn nữa, chính việc làm đẹp bộ mặt trần gian thuộc về trách nhiệm của niềm Tin:

“Chúng ta được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi trời mới đất mới không được làm giảm suy, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới” [MV 39b].

Những điều đó không phải chỉ là những lời khuyên đạo đức nhất thời, hoặc một cách ứng xử trong một hoàn cảnh đặc thù, nhưng là một não trạng mới, một giá trị của thời đại mà người Kitô hữu hậu Công đồng không thể bỏ qua hay từ chối.

3. Nguy cơ tách lìa đức Tin và đời sống thường ngày

Hiến chế Mục Vụ nhận định rằng một trong những nguy cơ lớn nhất của thời đại chính là thái độ tách lìa đức Tin và đời sống thường ngày :

“Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng nhờ các Kitô hữu mang đến cho sinh hoạt nhân loại 47*. Công Đồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực và trung thành chu toàn những bổn phận trần thế của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế nhưng phải kiếm tìm một quê hương hậu lai, mà lại tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian 13, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình 14. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước các Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo 15 và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề 16. Vậy, không được tạo đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội với đời sống tôn giáo. Đối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi sinh hoạt trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất: các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui hướng về vinh quang Thiên Chúa. [MV 43a].

Thái độ tách rời này không là gì khác hơn hệ quả của một lối nhìn theo quan điểm duy linh, trong đó, chỉ những gì thiêng liêng mới có giá trị. Ngược lại, thái độ gắn liền đức Tin và cuộc sống thường ngày chính là nhìn nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự; và nhận rằng trách nhiệm của con người trong công cuộc trần thế cũng chính là trách nhiệm do Đức Tin đòi hỏi.

4. Xác định lại nguồn mạch luân lý

Truyền thống Do thái Kitô giáo luôn luôn lấy Chúa là nguồn mạch của luân lý. Dân Chúa đã tuân giữ luật lệ, Mười Điều Răn chẳng hạn, không phải vì luật lệ đó hoàn hảo, nhưng trước tiên là vì trung tín với Chúa. Cũng thế nền luân lý Kitô giáo, trước tiên, tìm sự bảo đảm nơi những chân lý mạc khải. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là luân lý Kitô giáo có thể bao hàm những điều trái nghịch với tự nhiên. Ngược lại, niềm tin cho chúng ta biết rằng chính mạc khải là con đường được hướng dẫn để sống trọn vẹn phẩm chất người; những chân lý của Chúa giúp cho hành trình đời người được ngay chính[6].

Một quan niệm tội chỉ là và chỉ vì trái ý Chúa sẽ tạo nên một lô các “tội vô duyên” và cả những “nhân đức vô duyên”; những thứ “tội” chẳng có gì là ngược với tình yêu thương, chẳng có gì là xấu theo cảm quan tự nhiên, trong sáng, bình thường; và những nhân đức chẳng thể hiện được một chút yêu thương bác ái nào cả. Nhiều người Kitô hữu chỉ còn thấy tội là điều gì thuần túy thiêng liêng chứ không thấy sự giằng xé của tôi trong cuộc sống hôm nay; ơn phúc cũng là những thực tại thuần túy thiêng liêng chứ không phải là những yếu tố góp phần xây dựng Nước Trời ngay từ hôm nay. Việc Thiên Chúa tha tội chỉ còn có nghĩa là Thiên Chúa thôi tính sổ ở đời sau chứ không thấy rằng Thiên Chúa muốn liên đới với tội nhân để sửa chữa những đổ vỡ do tội lỗi gây nên. Đây là một mối nguy không nhỏ[7]! Chính những loại “tội phúc” như thế làm cho đời sống đạo mất dần ý nghĩa chân chính và cũng làm méo mó khuôn mặt đích thực của một Thiên Chúa yêu thương.

Ở đây chúng ta lại có thể thấy tính cách can đảm của thánh Thomas khi Ngài bàn về vấn đề luân lý khởi từ hạnh phúc của con người chứ không phải khởi từ thiên luật.


[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, bài Đời sống Tâm linh Kitô giáo.

[2] Từ spiritus [hơi thở, gió, tinh thần, linh hồn…] trong tiếng latinh được chuyển sang tiếng pháp là esprit và tĩnh từ là spirituel. Tĩnh từ spirituel vừa có nghĩa là thuộc về tinh thần, vừa có nghĩa là “thiêng liêng”.

[3] Ngay việc tách biệt luân lý và tu đức đã cho thấy ảnh hưởng của tinh thần Platon trên suy tư của Giáo Hội.

[4] Chẳng hạn Thánh Odon de Cluny [879-940] nói: “Thân thể đẹp là nhờ làm da. Nay nếu nhìn qua làn da mà thấy được tất cả bên trong – như tục truyền rằng giống mèo rừng ở Bêôxi với đôi mắt sắc, chúng có thể nhìn thông suốt mọi vật – thì nhìn một người phụ nữ mà tởm thay ! Thử xem trong lỗ mũi, trong cuống họng, trong bụng của họ chứa những gì ? Toàn là máu mủ dơ bẩn cả. Vậy mà ta há lại nên ham ôm vào mình cái bọc ô uế đó ru ?” [Calaxion]. [Trích lại trong Lương Duy Trung, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Văn Học Phương Tây, tập một, Giáo Dục, 1990, trang123]

[5] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, Bài Nhiệm cục Cánh Chung.

47* Chú thích theo bản văn Công Đồng :

– Sống trong thế giới tín hữu phải tránh hai thái độ sai lầm : 1) bỏ sót công việc trần thế để chỉ lo cho việc đạo đức; 2) chìm đắm trong công việc trần thế và coi công việc này như không có liên quan gì đến việc đạo đức.

Qua cả hai sự sai lầm trên, người ta tách biệt đời sống tôn giáo và đời sống nghề nghiệp hay đời sống trần thế nếu nói rộng hơn (cuộc giải trí, văn hóa…) và lại hành động theo luân lý cá nhân (số 30).

Đức tin phải ảnh hưởng trên cả đời sống và ta phải đem tinh nhần Phúc Âm vào công việc trần thế: vào nghề nghiệp, vào giao thiệp với người khác, vào văn hóa, vào cuộc giải trí v.v… “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với những người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa”: vì bổn phận trần thế là phương tiện để thực hành đức mến đối với anh em và đối với Thiên Chúa. Không thực hành đức mến tức là phạm đến toàn thể bộ luật (x. Gal 5,14). Cho nên kẻ nào xao lãng bổn phận trần thế hay là tách rời nó khỏi ảnh hưởng của tinh thần Phúc Âm tức là người không sống đạo, họ không phải là người công giáo.

13 Xem Dth 13, 14.

14 Xem 2Th. 3, 6-13 ; Eph 4, 28.

15 Xem Is 58, 1-12.

16 Xem Mt 23, 3-33 ; Mc 7, 10-13.

[6] Trong nền triết học luân lý, người ta có thể phân biệt ba nguồn mạch của luân lý: Những nền Luân lý Siêu việt [morales du Transcendant], tức những nền luân lý dựa trên một trật tự siêu việt, có tính tôn giáo hoặc có tính triết học; những nền Luân lý Tự nhiên [morales naturalistes], tức những nền luân lý triển khai theo bản tính tự nhiên của con người, nhất là dựa vào tâm lý học; và những nền Luân lý Tích cực [morales activistes], tức những nền luân lý được thích ứng, được phát triển theo trạng huống của con người. Nền luân lý tích cực này không chối từ những nguyện tắc trật tự siêu việt hoặc sự hợp lý của lý trí, nhưng nhấn mạnh khía cạnh giá trị, tức việc con người đón nhận như một chủ thể và tự do để sáng tạo ý nghĩa từ những nguyên lý ấy. Xc. Francois Grégoire, Les Grandes Doctrines Morales, Presses Universitaires de France, “Que Sai-Je ?” 658].

Sự trung tín với mạc khải của Chúa [nền luân lý siêu việt tôn giáo], nếu được hiểu một cách máy móc, cứng nhắc, hoặc chỉ thuần túy vì danh dự của Chúa, sẽ dễ có tính cách áp đặt và dễ làm méo mó nhân cách con người.

[7] Tình trạng sa sút của một tập thể, trước tiên và chính yếu nhất, thể hiện ở chỗ có sự chênh lệch giữa “căn bản siêu hình” và luân lý. Đối với Kitô giáo, có thể nói “căn bản siêu hình” chính là tình yêu thương; và luân lý, theo quan điểm thuần túy tiêng liêng, lại chỉ là những qui định cụ thể ít dính dáng tới tinh yêu thương.