Chắc hẳn chúng ta đã từng được nghe những lời phàn nàn của những người trẻ về đời sống đạo của cha mẹ và những người lớn tuổi, phàn nàn về một đời sống đạo đọc kinh, đi lễ nhiều nhưng lại chẳng có chút biến đổi gì trong cuộc sống đời thường. Những lời phàn nàn ấy không phải là không có lý. Đối với những người trẻ, đời sống thực quan trọng hơn những giá trị thiêng liêng và chính chứng tá của đời sống thực mới có sức thuyết phục.
Cùng trong chiều hướng ấy, chúng ta cũng có thể dễ dàng nghe thấy một số người tân tòng, tin đạo cách chân chính, cảm thấy ngạc nhiên về đời sống Đức Tin của những người “đạo gốc”, một đời sống đạo không biểu lộ được một sự an vui, ít thể hiện thành đời sống bác ái yêu thương…
Chúng ta có thể đọc được nơi những triết gia vô thần nhân bản, những nhà văn nặng lòng với cuộc đời rất nhiều lời phê bình tôn giáo ở khía cạnh này. Nhà văn Đức Bertolt Brecht [1896-1956] có lần nói đại khái rằng: khi tôi chết tôi không cần chết một cách lành thánh, nhưng là từ giã một thế giới đã lành thánh hơn. Cũng thế, triết gia Anh Bertrand Russell [1872-1970] không phải là vô lý hoàn toàn khi phê bình tôn giáo, đặc biệt Kitô giáo rằng:
“. . . Đế quốc La Mã sụp đổ, nhưng các linh mục trong Giáo Hội có quan tâm tới cái đó đâu. Họ chỉ lo làm sao phụ nữ giữ được trinh khiết thôi. Cái đó đối với họ mới là quan trọng […]. Ngày nay nhân loại cũng đang sụp đổ và tôi thấy nhiều giáo sĩ địa vị rất cao chỉ nghĩ tới vấn đề làm sao ngăn được sự thụ thai nhân tạo; họ cho việc đó quan trọng hơn nhiều việc ngăn ngừa thế giới nó sẽ tiêu diệt nhân loại không còn lấy một mạng. Theo tôi, họ như thiếu ý thức về cân xứng, cái quan trọng thì cho là tầm thường và ngược lại”[1].
Lời phê bình ấy quả thực có phần bất công hoặc chỉ hoàn toàn đúng với bầu khí Giáo Hội trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy nơi đây có phần sự thật, sự thật về nét “thiếu ý thức về cân xứng”, nhất là tại Giáo Hội Việt Nam. Có lẽ Giáo Hội Việt Nam cũng cần đối diện với những nhà vô thần nhân bản chân chính…
Dĩ nhiên, chúng ta hiểu rằng cộng đoàn Kitô hữu, chính yếu, không phải là cộng đoàn những người đức độ, nhưng là cộng đoàn những người được cứu độ. Tuy thế, một đời sống của những con người được cứu độ chắc chắn không phải chỉ là có một đời sống thiêng liêng, với những sinh hoạt tôn giáo và những giá trị thiêng liêng chỉ dành cho cuộc sống mai sau. Đời sống Đức Tin thiết yếu phải sinh hoa trái trước tiên ở đời này, và phải góp phần biến đổi cuộc sống nhân sinh.
Những người Kitô hữu tây phương mới tới Việt Nam chắc hẳn phải trầm trồ khen ngợi về sinh hoạt đạo sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tính chất sầm uất ấy giờ đây cũng lan đến cả những Giáo Hội Âu Mỹ, qua những cộng đồng người Việt di tản. Người Công giáo Việt Nam đi đến đâu đều làm cho những sinh hoạt tôn giáo phát triển: lễ lạy, đọc kinh, xưng tội, xây dựng nhà thờ và ơn gọi tu trì đông đảo… Trong khi đó, sinh hoạt đạo nơi những nước Kitô giáo kỳ cựu của Tây phương càng ngày càng trở nên èo uột, trở nên đạo của trẻ con và những ông bà già…
Tuy nhiên với một hướng nhìn khác, chúng ta lại có thể nhận thấy rằng: đời sống đức Tin nơi những người Kitô hữu Việt Nam triển nở phong phú nơi sinh hoạt đạo, thì lại rất ít trổ sinh hoa trái trong đời sống nhân bản, trong đời sống bác ái thường ngày. Ngược lại, “đức Tin” nơi nhiều Kitô hữu tại các nước Âu Mỹ Tây phương, tuy không, hoặc ít triển nở trong sinh hoạt thuần túy tôn giáo, sinh hoạt hoạt phượng tự, nhưng nói chung và với một số người, lại triển nở nhiều hơn trong những giá trị nhân bản.
Nếu phải lựa chọn một trong hai thứ hoa trái ấy, sinh hoạt đạo và những giá trị nhân bản, chúng ta sẽ lựa chọn điều nào?
Dĩ nhiên, Kitô giáo không thể được coi như một thứ “đạo tại tâm”, nhưng nhất thiết bao hàm sự gặp gỡ, liên đới, gặp gỡ với Đức Giêsu và với anh chị em của mình trong niềm Tin chứ không phải chỉ ở mức độ những giá trị nhân bản. Tinh thần trần tục hóa tại cái nước tây phương Kitô giáo khiến cho người ta không còn quan tâm đến sinh hoạt tôn giáo. Chúng ta có thể dự đoán tinh thần trần tục, chẳng bao lâu nữa, cũng sẽ lan tràn trên đất nước Việt Nam và sẽ thấm nhiễm sâu xa vào những thế hệ con em chúng ta. Liệu chừng khi ấy, đời sống đức Tin theo kiểu "đạo sinh hoạt" tại Giáo Hội Việt Nam sẽ còn lại những gì?
Từ đầu thế kỷ XX, những hiệp hội “công giáo tiến hành” đã phát triển nhiều. Công đồng Vatican II xác nhận hiện tượng ấy bằng việc tìm thấy ý nghĩa thần học và giá trị chân chính của người giáo dân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình như vấn đề vẫn mới chỉ được triển nở ở phần ngọn.
Người giáo dân được đề cao trong những sinh hoạt tông đồ, người giáo dân chủ động hơn trong trách nhiệm đối với giáo xứ. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể trong đời sống gia đình và sứ vụ “làm đẹp bộ mặt trần gian” vẫn là một điều xa lạ; người giáo dân vẫn không được giúp để nhận ra giá trị và sứ vụ “có tính trần thế”[2] trong ơn gọi của mình như Công đồng Vatican II xác định. Người giáo dân chỉ được khuyến khích để cộng tác với linh mục và tu sĩ trong những sinh hoạt tôn giáo, và trong lãnh vực này, vai trò người giáo dân vẫn luôn luôn là phụ thuộc, luôn luôn là những người không đủ uy tín, do vị thế giáo dân của mình. Ngay hiện tượng phong phú ơn gọi tu sĩ và linh mục ở Việt Nam, thật ra, là biểu hiện của một thứ bậc giá trị xã hội nhiều hơn là biểu hiện của một thái độ dâng hiến và ý nghĩa sứ vụ của ơn gọi linh mục tu sĩ.
Lý do có lẽ là não trạng chung của người Kitô hữu Việt Nam chưa thấm nhuần ý nghĩa “giá trị trần thế” của Công đồng Vatican II, nên việc đề cao vai trò giáo dân mới chỉ là mời gọi giáo dân cộng tác với giáo sĩ và tu sĩ chứ chưa giúp giáo dân nhận ra vị thế của mình trong Giáo Hội; mới chỉ là khuyến khích nghề tay trái chứ chưa giúp giáo dân sử dụng chính ngành nghề chuyện môn của mình để góp phần xây dựng Nước Chúa[3]. Chiều hướng ấy thường lại đưa đến hậu quả là người giáo dân đạo đức vẫn chỉ biết đua nhau tham gia công tác nhà thờ chứ ít nhận ra con đường nên thánh trong trách vụ hằng ngày; người giáo dân sốt sắng chỉ mới nhận ra trách nhiệm của mình đối với sinh hoạt nhà thờ chứ ít nhận ra trách nhiệm của mình đối với thế giới, đối với xã hội, đối với gia đình, đối với những tổ chức và sinh hoạt trần thế chung quanh mình. Cũng chính điều này khiến cho Giáo hội Việt Nam không làm sáng lên được nét bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm riêng của mọi người Kitô hữu[4].
Hình như, nói chung, niềm tin vào Chúa và đời sống đạo, trong giáo Hội Công Giáo, vẫn là một gánh nặng cho cuộc sống hơn là một sự nâng đỡ, vẫn là một sự ràng buộc hơn là một ơn giải thoát thực sự. Hình như người Kitô hữu sống đạo theo kiểu phải trích một phần hoa trái của đời sống hiện tại [và do đó cảm thấy mất mát] để góp phần đóng bảo hiểm cho một thế giới sau khi chết, một cuộc sống mà bây giờ ta chưa cảm được gì, một gia sản mà hiện tại ta chưa “xài” được. Nói rõ ra, chính vì nỗi sợ hoả ngục, sợ Chúa mà người Kitô hữu phải ráng giữ đạo, chấp nhận những đòi buộc của tôn giáo trong một tâm tình “chịu vậy”. Tôn giáo như thế chẳng qua là một thứ “gia sản thiêng liêng”, thuần túy thiêng liêng để xài cho cuộc sống mai sau chứ không ảnh hưởng gì đến tình tự cuộc sống hôm nay. Cách sống đạo như thế khiến cho người giáo dân rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”.
Chúng ta cũng có thể gặp không ít những vị bề trên rất an ổn lương tâm khi hành xử quyền bính cách nào đó khiến cho người tu sĩ trở nên sợ sệt, nhát đảm, gian dối, và thui chột bao nhiêu năng lực đời người. Chúng ta có thể thấy nhiều tu sĩ cảm thấy tiếc và không dám từ bỏ đời sống tu trì, cho dù thấy mình không thích hợp, cho dù đời sống tu đối với họ không có ý nghĩa, cho dù trong đời tu nhân cách của họ trở nên dúm dó, méo mó đáng thương; chúng ta có thể thấy nhan nhản những linh mục làm khổ giáo dân để đổi lại cho họ một số giá trị thiêng liêng; chúng ta có thể thấy một số người tân tòng cảm thấy nặng nề và sợ hãi sau khi học biết giáo lý; chúng ta cũng có thể gặp thấy không ít những linh mục, tu sĩ rất trung thành tận tụy với những sinh hoạt thiêng liêng và an ổn với những sinh hoạt ấy như một “đời sống tâm linh” vững chắc, thế nhưng lại quá dễ dàng bị buồn tủi vì một xúc phạm nhỏ, hoặc có thái độ hết sức phòng vệ, hết sức chủ quan[5]…, tất cả những điều kỳ lạ ấy được bảo vệ, được bao bọc vững chắc, được hóa giải một cách hợp lý và được chấp nhận nhờ một bầu khí của những giá trị thiêng liêng, những ơn ích thiêng liêng.
Chắc hẳn có nhiều người phản đối nhận định ấy. Tuy nhiên tôi vẫn thấy không làm sao có thể nối kết một cách thuyết phục về những “ơn ích thiêng liêng” mà Giáo Hội vẫn rao truyền với một đời sống không có sự triển nở thực sự về nhân bản. Có một khoảng cách khá lớn giữa những sinh hoạt đạo đầy dấu chỉ biểu lộ ân sủng, so với cách sống thực tế của khá lớn của những người Kitô hữu, hoặc ngay cả của những linh mục, tu sĩ …, những cách sống còn đầy dẫy tật xấu, và nhất là cách sống đã “an ổn” trong những tật xấu. Khoảng cách đó khiến cho người ta, hoặc chỉ còn có thể nhắm mắt để tin rằng những ân sủng “thiêng liêng” ấy thực sự đang biến đổi tâm hồn con người…, hoặc hóa giải hố thẳm đó bằng cách gán cho những ân phúc thiêng liêng một giá trị duy nhất còn lại, giá trị luật pháp, giá trị làm giảm bớt tội hình cho cuộc sống sau khi chết; một đời sống đạo chỉ còn là để “cứu rỗi các linh hồn”.
[1] Bertrand Russell, Thế giới Ngày nay và Tương lai Nhân loại, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Văn Hóa 1996, trang 46-47.
[2] GH 31 b : “Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy, các phần tử trong hàng giáo sĩ đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là tác vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế, xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ”.
[3] Xc. TĐGD số 13 : “Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian : trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức Tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc”.
Ta có thể đọc thêm lời giới thiệu Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân của A. Palacios S.J trong công Đồng Vatican II như sau : “… Sau đó, Công đồng giải quyết một vấn nạn được đặt ra từ đầu : đó là việc phân biệt hoạt động tông đồ ra “tông đồ trực tiếp và gián tiếp”; hoặc, theo nhiều người, phân biệt ra “tông đồ chuyên biệt và không chuyên biệt”. Lúc ấy người ta quan niệm rằng hoạt động tông đồ trực tiếp là tất cả những phương cách truyền bá Phúc Âm và thánh hóa các Kitô hữu hay những người ngoài Kitô hữu bằng sự loan báo Chúa Kitô, loan báo Phúa Âm hay bằng chính đời sống. Hoạt động tông đồ gián tiếp, trái lại, được cho rằng đó là những hoạt động hệ tại sự bảo đảm làm hoàn hảo trật tự trần thế, cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và nhờ vậy tạo nên bầu khí thích hợp cho việc rao giảng Phúc Âm và thánh hóa con người. Như vậy, theo các quan niệm này, tất cả những hoạt động tông đồ có tính cách xã hội chỉ được coi là tông đồ gián tiếp. Rất nhiều nghị phụ không đồng ý quan niệm này. Về sau, ủy ban liên hệ bàn cãi lại và quyết định không dùng những từ ngữ phân biệt đó ở trong Sắc lệnh”.
[4] GH 32 “… nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô”.
[5] Theo tôi, những biểu hiện ấy cho thấy rõ một sự thiếu hụt trong mối tương quan thông thoáng và thân tình với Chúa Giêsu, mà một đời sống tâm linh đích thực không thể không có.